Tác động của xu hướng tiêu dùng xanh đến doanh nghiệp Việt Nam

Xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Đối với Việt Nam, việc bắt kịp xu hướng này sẽ tạo ra cơ hội phát triển nhanh chóng, mở rộng thị phần, cũng như tranh thủ được sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiêu dùng xanh cũng gặp phải những thách thức như: giải quyết mối quan hệ giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh. Do vậy, cần có giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng xanh, bảo đảm phát triển bền vững, bắt kịp với xu thế của thế giới.

Tác động của xu hướng tiêu dùng xanh đến doanh nghiệp Việt Nam

1. Xu hướng tiêu dùng xanh ở Việt Nam hiện nay
Tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường, coi trọng hơn hành vi mua thân thiện với môi trường. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Việt Nam đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh cũng bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999),... Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương); Nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu với nội dung: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch(1).
Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020 cũng nêu rõ: để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, bảo đảm phát triển bền vững(2).
Quyết định số 1393 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn 2050” chỉ ra hai nhiệm vụ liên quan đến tiêu dùng xanh là xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng. Chiến lược Tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Như vậy, chuyển đổi mô hình tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và là một nội dung căn bản của mục tiêu phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về tiêu dùng xanh được phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước, bước đầu đã đạt những kết quả tốt, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Từ năm 2010 - 2017, TP. Hồ Chí Minh đã tám lần tổ chức thành công chiến dịch tiêu dùng xanh hằng năm. Cụ thể, đã có hơn 70.000 lượt tình nguyện viên tham gia chiến dịch, hơn 4 triệu lượt người dân cam kết hưởng ứng tiêu dùng xanh, mức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tăng lên từ 40%-60% trong tháng diễn ra chiến dịch tại hệ thống các siêu thị Co.opmart. Những con số trên đã phần nào thể hiện sức lan tỏa rộng khắp của chiến dịch trong cộng đồng, tạo sự động viên rất lớn cho những người thực hiện và doanh nghiệp tiếp tục kiên trì các hoạt động của mình. Bên cạnh đó, chiến dịch này với nhiều hoạt động thiết thực sẽ góp phần khuyến khích doanh nghiệp tự giác chấp hành tốt Luật bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững(3).
Một dự án được xem là trọng điểm của chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh lần 8-2017 là ra mắt game nhận diện sản phẩm Việt - sản phẩm xanh trên App store. Phần mềm này sẽ hiển thị sản phẩm của các doanh nghiệp xanh và cả các doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Người chơi sẽ lựa chọn nhanh sản phẩm nào là sản phẩm xanh, nếu chọn đúng được 80% - 100% sẽ được tặng quà là một sản phẩm xanh hoặc sản phẩm tái chế handmade.
Hà Nội đã ra mắt chương trình Mạng lưới điểm đến xanh hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Chương trình là cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, hứa hẹn trở thành một mạng lưới xanh đáng tin cậy của cộng đồng có trách nhiệm với môi trường.
2. Những thời cơ đối với doanh nghiệp trước xu thế tiêu dùng xanh
Thứ nhất, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm xanh
Việt Nam đang trong quá trình CNH, HĐH đất nước, kinh tế đạt mức tăng trưởng tương đối cao, kéo theo mức tiêu dùng của người dân được cải thiện, ý thức tiêu dùng ngày càng nâng lên, các sản phẩm xanh, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng và thân thiện với môi trường dần trở thành nhu cầu thiết thực của người dân.
Kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam công bố tại Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề “xanh” và “sạch”, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”. Cụ thể, có tới 80% người tiêu dùng lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn(4).
Người tiêu dùng đặt niềm tin vào các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm rõ ràng. Bởi vậy, chất lượng “xanh” sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Việc phát triển thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” - sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra các sản phẩm “sạch”, bảo đảm môi trường ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Theo xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững.
Khảo sát trên cũng chỉ ra, các thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh và sạch có mức độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Trong ngành thực phẩm nước giải khát, mức tăng trưởng đạt từ 2-11%. Một số nhãn hàng của Việt Nam như bóng đèn điện quang, Ecopark, Unilever đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất “xanh”; cụ thể, Unilever đã tăng trưởng 30% khi thực hiện cam kết về sản phẩm “sạch”.
Thứ hai, có những ưu đãi dành cho doanh nghiệp tham gia chương trình Nhãn xanh Việt Nam
Nhãn Xanh Việt Nam là tên gọi của chương trình nhãn sinh thái tại Việt Nam được triển khai thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống.
Nhà nước đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, mặt khác đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Khi Nhà nước triển khai chương trình sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, tạo điều kiện cho nhà sản xuất đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường, giúp giảm thiểu phát thải ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; giảm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường; định hướng phát triển các ngành kinh tế xanh gắn với sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và năng lượng, bảo tồn và gia tăng giá trị vốn tự nhiên, nâng cao chất lượng sống.
Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường, được gắn Nhãn Xanh Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường. Các ưu đãi này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tích cực trong việc gắn nhãn sinh thái trên các sản phẩm của mình tạo ra lợi ích kép cho doanh nghiệp. Một mặt, doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi từ phía Nhà nước dành cho sản phẩm gắn nhãn sinh thái, mặt khác, thị phần của doanh nghiệp sẽ được mở rộng do hiện nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, giá cả mà còn xem xét đến các yếu tố sức khỏe, môi trường của sản phẩm - những yếu tố hội tụ đầy đủ trong các sản phẩm được gắn nhãn sinh thái. Đây chính là chứng chỉ xanh để sản phẩm của các doanh nghiệp có thể đứng vững ở thị trường trong nước, cũng như thực hiện mục tiêu vươn ra thế giới, đặc biệt là những thị trường có đòi hỏi khắt khe về môi trường như EU, Mỹ...
Có thể nhận định rằng, nhãn sinh thái - Nhãn Xanh Việt Nam sẽ là mục tiêu hướng tới của doanh nghiệp và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng. Doanh nghiệp hướng tới nhãn sinh thái để bảo đảm thị phần kèm theo đó là lợi nhuận, người tiêu dùng hướng tới nhãn sinh thái để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng. Khi người tiêu dùng có yêu cầu cao về chất lượng, mức độ an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường sẽ trở thành động lực thúc đẩy nhà sản xuất, kinh doanh cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, các sản phẩm được gắn nhãn sinh thái.
Mặt khác, khi thực hiện chương trình Nhãn Xanh, doanh nghiệp đã xây dựng được một hình ảnh về thương hiệu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về môi trường và lao động; từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, nhất là tại các thị trường khó tính, có yêu cầu cao về tiêu chí môi trường, xã hội; thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng; qua đó, nâng cao lợi nhuận và tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
3. Những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp trong xu hướng tiêu dùng xanh
Thứ nhất, doanh nghiệp chưa giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là mâu thuẫn giữa hai mục tiêu: lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Ngoài ra, trên thế giới, mặc dù công nghệ xanh đã rất phát triển, song thực tế áp dụng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nhất định. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp. Mâu thuẫn nói trên khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn làm sản phẩm xanh, bền vững mà mới chỉ quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc đầu tư, chi phí ban đầu lớn tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh. Theo khảo sát của trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh...(5)
Đơn cử, trong lĩnh vực xây dựng, Việt Nam mới có khoảng 61 công trình được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước chứng nhận là công trình xanh. Số lượng này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường. Đáng lưu ý, các công trình xanh mới chỉ xuất hiện ở phân khúc cao cấp và do các chủ đầu tư là các tập đoàn, công ty đa quốc gia xây dựng với mục tiêu quảng bá hình ảnh, thương hiệu, cũng như hướng tới mục đích giảm thiểu chi phí vận hành.
Thứ hai, còn thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh
Bên cạnh việc xử lý hàng tồn kho, tìm kiếm và mở rộng thị trường, bảo hộ thương hiệu, tiếp cận vốn vay... doanh nghiệp sẽ phải rót thêm một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao nếu thực hiện các dự án về sản xuất xanh. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển xanh, trong khi không có nguồn lực dành cho việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Chính phủ trong kế hoạch trung hạn, nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh.
Cũng theo kết quả khảo sát của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, có đến 89% doanh nghiệp được hỏi đã trả lời không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm xanh; chỉ có 26% doanh nghiệp cho biết họ nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất, phân phối đối với sản phẩm xanh.
Thứ ba, trách nhiệm đối với môi trường của doanh nghiệp còn hạn chế
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực chỉ từ phía cơ quan quản lý là chưa đủ mà quan trọng hơn, cần có sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế từ ý thức tới hành động. Nếu doanh nghiệp không từ bỏ phương thức kinh doanh “chụp giật”, thay vào đó là tư duy phát triển bền vững thì khi các hiệp định thương mại với những quy định khắt khe có hiệu lực, nguy cơ phá sản là rất lớn.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi phí tài nguyên và mức phát thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp là rất cao và lãng phí. Đơn cử, để sản xuất một đơn vị sản phẩm giấy cần trên 500 m3 nước, gấp 5 lần so với chỉ tiêu của thế giới (xấp xỉ 100 m3/tấn). Nước thải của ngành chế biến thực phẩm cao gấp 3,4 lần so với thế giới. Chi phí năng lượng trong các ngành công nghiệp cũng tương đối cao: ngành giấy tiêu hao 1.200 kWh và 1.500 kg than/tấn giấy tẩy trắng; ngành thép cần 700.000 kWh/tấn thép thỏi và 25 kWh/tấn gang tinh luyện.
Trong khi đó, với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn 10 năm qua, nhiều thói quen tiêu dùng, nhất là ở thế hệ trẻ, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến các nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững. Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở mức nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi ni lông sinh thái, 3R và là những hoạt động đơn lẻ, thiếu tính kết nối, phạm vi tác động giới hạn trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.
4. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh
Phát triển xanh sẽ là con đường chiến lược để các doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để một công ty phát triển xanh thì phải có sự đồng thuận từ lãnh đạo đến người lao động. Lãnh đạo công ty phải là người tiên phong trong định hướng phát triển xanh của công ty, từ đó thay đổi cách suy nghĩ và hành động của từng cá nhân lao động trong toàn công ty. Cụ thể, các công ty cần chủ động đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường.
Đối với các doanh nghiệp ít vốn, để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết phải đầu tư trang thiết bị hiện đại mà có thể thông qua những hành động đơn giản như: chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện và ưu tiên tiêu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường.
Về phía Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách sao cho đồng bộ, nhất quán theo định hướng phát triển xanh. Cụ thể, cần đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh; phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch (CDM).
Bên cạnh đó, cần phát triển và nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh, hỗ trợ giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh, tăng cường tiếp thị, quảng cáo sản phẩm. Tổ chức chương trình đào tạo về sản xuất xanh cho lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào các mô hình doanh nghiệp xanh. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh, nâng cao thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà sản xuất xanh, sản phẩm xanh và người tiêu dùng xanh.
Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường, sức khỏe của cá nhân, cộng đồng. Tích cực vận động người thân, gia đình thực hiện hành vi tiêu dùng xanh, coi đây là trách nhiệm và vinh dự của mỗi người trong xã hội. Để tiến tới xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, đòi hỏi mỗi chúng ta phải thay đổi nhận thức và hành động, cùng toàn xã hội đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động về bảo vệ môi trường.
_________________
(1) https://vov.vn.
(2) http://chinhphu.vn.
(3), (5) http://www.sggp.org.vn.
(4) Thị trường sản phẩm nông nghiệp, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, Số tháng 4/2017, tr.6.

TS Hồ Thanh Thủy, Viện Kinh tế chính trị,- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh