STNN - Mai vàng Kỳ Nam, loài cây bản địa được trồng tại xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh từ lâu đã có uy tín và thương hiệu trên thị trường, bởi đây là loài hoa đẹp, lâu tàn, cây cứng cáp, lá tươi xanh phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
- Lễ hội “Tam Kỳ – Mùa hoa sưa năm 2023”
- Ông Nịnh Văn Trắng, người Sán Chỉ “biến trà hoa vàng thành vàng”
Mai vàng Kỳ Nam có lá to, bầu, dày, màu xanh đậm, hoa 5 cánh mọc thành chùm (búp hoa kết lại có thể tạo hình thái như mào gà), màu sắc hoa vàng đậm, lâu phai, thân cành cứng, màu nâu đậm, khác biệt so với các loài mai ở vùng khác (lá nhỏ, mỏng, xanh ánh vàng, cành nâu nhạt, chủ yếu hoa đơn). Đặc biệt, mai vàng Kỳ Nam có khả năng chịu hạn, chịu úng và chịu được cả khí hậu khô nóng, thiếu nước.
Dự án tạo lập chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” dùng cho cây mai vàng bản địa của thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh”sẽ được triển khai từ năm 2022 đến năm 2024, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: Hiệu chỉnh, xây dựng, ban hành và áp dụng các công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý; hoàn thiện và nộp hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý lên Cục Sở hữu trí tuệ; giới thiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm mai vàng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên các kênh thương mại; nâng cao nhận thức, năng lực cho các chủ thể liên quan về sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm; tổng kết, nghiệm thu dự án gắn với các hoạt động thông tin tuyên truyền quảng bá về sở hữu trí tuệ.
Chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm cây mai vàng bản địa của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Tại hội thảo do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh phối hợp với UBND thị xã Kỳ Anh tổ chức và ngày 30/3 vừa qua, đại diện Sở KH&CN Hà Tĩnh, đơn vị chủ trì dự án đã giới thiệu chung về nhiệm vụ, cung cấp những thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý của địa phương; người dân trồng mai ở Kỳ Nam và các vùng phụ cận về vai trò của dự án, tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý, tiến độ thực hiện dự án…
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo địa phương, người dân trồng mai ở Kỳ Nam cũng tham gia thảo luận, góp ý kiến, đề xuất và khẳng định sẽ tích cực tham gia với mong muốn dự án tạo lập chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” dùng cho sản phẩm cây mai vàng bản địa của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh sẽ sớm được triển khai và thành công.
Việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” cho cây mai vàng bản địa của thị xã Kỳ Anh nhằm tạo ra công cụ sở hữu trí tuệ và công cụ pháp lý để gìn giữ, bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị giống mai quý bản địa của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ hoạt động quảng bá và thương mại hóa sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của cây mai vàng, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng tại khu vực chỉ dẫn địa lý; đồng thời quảng bá thương hiệu “mai vàng Kỳ Nam” rộng rãi đến người tiêu dùng trên cả nước.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh có 2 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó là bưởi Phúc Trạch và nhung hươu Hương Sơn.
Linh Bùi