STNN - Hội thảo khoa học "Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu" đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp công nghệ mới nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Sáng ngày 16/8/2024, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học "Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu". Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu Công nghệ hỗ trợ nông nghiệp (ASTRI), Viện Ứng dụng và Đổi mới công nghệ Nha Trang (NITIA) và Tạp chí điện tử Sinh thái nông nghiệp tổ chức.
Tham dự hội thảo, về phía Ban tổ chức có: Tiến sĩ Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban KHCN&MT VUSTA, Tiến sĩ Tống Văn Hải - Chủ tịch HĐKH Viện ASTRI, Tiến sĩ Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia, Thạc sĩ Chử Đức Toàn – Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Sinh thái nông nghiệp.
Về phía khách mời, có Tiến sĩ Trần Hậu Ngọc - Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KH&CN), Tiến sĩ Trần Hồng Hải - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái nhân văn và Phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Minh Tân - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Bà Nguyễn Thị Ngọc Thùy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần và Đầu tư phát triển IC Group cùng đại diện các Viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các tổ chức trong nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, Hội thảo cũng có sự tham dự của các doanh nghiệp... chuyên sản xuất, kinh doanh về nông nghiệp.
Theo đó, mục đích chính của Hội thảo là tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp công nghệ mới nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Cùng với đó, Hội thảo cũng có ý nghĩa rất đặc biệt quan trọng bởi thông qua đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp Việt Nam. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đề xuất các chính sách và giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Lê Công Lương đánh giá nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn cho GDP và giải quyết việc làm cho hàng triệu người dân. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, năng suất thấp, năng lực cạnh tranh kém, thiếu đầu tư, thiếu lao động chất lượng, cơ sở hạ tầng yếu kém; năng suất lao động của ngành nông nghiệp Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Lê Công Lương tin rằng, với đóng góp trí tuệ của các quý vị đại biểu, Hội thảo sẽ mang lại những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Sau phần phát biểu khai mạc, tại Hội thảo, các diễn giả và khách mời cũng đã trình bày, thảo luận về các dự án và các chủ đề về “Ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Cụ thể, đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, 4 diễn giả đã trình bày 4 chủ đề, giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp.
Trong đó, Tiến sĩ Tống Văn Hải trình bày chủ đề "Ruồi lính đen: Chìa khoá trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn"; Tiến sĩ Trần Hồng Hải trình bày chủ đề "Công nghệ xanh: Giải pháp đột phá trong giảm phát thải carbon và ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam"; Bà Nguyễn Thị Ngọc Thùy trình bày chủ đề "Dự án INNSA: Chuyển đổi số và tích hợp công nghệ cao trong chuỗi giá trị và cung ứng cà phê Việt Nam"; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thụy Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia trình bày chủ đề "Truy xuất nguồn gốc tích hợp kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất cà phê".
Tại Hội thảo, Ban tổ chức và các diễn giả đã nhận được rất nhiều câu hỏi và ý kiến góp ý về các chủ đề cũng như về sự phát triển nông nghiệp bền vững. Có thể kể đến như sự chia sẻ về những thách thức lớn nhất mà nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay; Hay việc kết hợp hiệu quả giữa kiến thức bản địa và công nghệ hiện đại trong việc phát triển nông nghiệp bền vững; Phương án để thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị trong quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp; Phương án để tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan (nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, nông dân) trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp...
Kết thúc phiên thảo luận, Tiến sĩ Lê Công Lương đánh giá cao những câu hỏi và ý kiến đóng góp của các đại biểu. Từ những ý kiến này, TS. Lương cũng cho rằng việc áp dụng công nghệ mới cần phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền và quy mô sản xuất. Đồng thời, phát triển nông nghiệp bền vững cần đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an ninh lương thực toàn cầu. Để đạt được điều này, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa chính sách, công nghệ và nguồn nhân lực. Trong đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan: nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và nông dân.
"Hội thảo khoa học 'Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu' là một hội thảo rất rộng, có tính gợi mở, nhiều tư liệu chuyên sâu. Rất cần những tọa đàm, hội thảo, bài báo khoa học chuyên sâu hơn nữa về vấn đề công nghệ giống cây trồng, công nghệ giống vật nuôi đóng vai trò như thế nào trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, nông thôn." - Tiến sĩ Lê Công Lương nhấn mạnh.
Hữu Đức