Về miền Trà Lân

STNN - Trà Lân hôm nay đang trở mình thành vùng kinh tế quan trọng phía Tây của Nghệ An, với những đổi thay từng ngày trong các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, và những sản phẩm OCOP nổi tiếng.

“Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay” nơi Lê Lợi dựng cờ dấy nghĩa

Thành Trà Lân nằm trên một ngọn núi bên bờ Bắc sông Lam, gần ngã ba Sông Con (nay thuộc thị trấn Trà Lân, huyện Con Cuông). Đây là nơi án ngữ con đường "thượng đạo" chạy qua miền Tây Nghệ An và là điểm chốt chặn giữa vùng rừng núi và đồng bằng. Thành được đắp theo thế núi, chu vi khoảng 2 km.

Thành được xây dựng theo hình chữ V, lưng tựa vững chãi vào núi, mặt hướng ra sông Lam, tạo nên một hình thế hiểm trở với thành quách kiên cố bao quanh. Theo sử sách ghi chép, tướng giặc giữ thành là Cầm Bành. Thành có sức chứa hàng nghìn quân sĩ, chốt giữ vùng miền Tây Nghệ An. Xung quanh là hào sâu, bên ngoài được bảo vệ thêm bởi một lũy tre gai, cùng với nhiều ngọn núi của động Đào Nguyên, tất cả tạo thành một hệ thống phòng thủ vững chắc.

anh-tl4-1742287604.jpg
"Miền Trà Lân" đang đổi thay từng ngày.

Hơn 600 năm trước, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã đánh chiếm thành, làm nên “miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay”. Sau khi giành chiến thắng, Lê Lợi đã tập hợp lực lượng, chiêu binh và luyện quân tại xã Thạch Ngàn, nơi trở thành căn cứ để huấn luyện voi, tập trận, chuẩn bị cho những cuộc tiến công giải phóng đất nước.

Theo truyền miệng, tên gọi xã “Lục Dạ” ngày nay xuất phát từ việc nghĩa quân đã trú quân tại “Cửa Núi” (Môn Sơn) trong sáu đêm. “Miền Trà Lân” còn là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú và Đan Lai suốt bao đời. Nơi đây còn nổi bật với Vườn Quốc gia Pù Mát, trải dài trên ba huyện: Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương, trong đó huyện Con Cuông có diện tích lớn nhất.

anh-tl2-1742287605.jpg
Người Thái ở bản Khe Rạn xã Bồng Khê huyện Con Cuông làm du lịch cộng đồng.

Nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ

Từ xa xưa, vùng đất này đã nổi tiếng với câu ca “cơm mường Quạ, cá sông Giăng”. Nơi đây, giáp biên giới, là vùng đất có nền văn minh lúa nước phát triển sớm với cánh đồng “Kẻ Quạ” và những bản làng người Thái trù phú bên dòng Nậm Khặng (sông Giăng) thơ mộng, thao thiết chảy bao đời.

Trong phong trào cách mạng 1930 – 1931, nhân dân nơi đây đã làm nên những kỳ tích lẫy lừng, tổ chức được Chi bộ Đảng Cộng sản và xây dựng nên Chính quyền Xô Viết nông dân, là nét đặc sắc của cả vùng núi rừng Tây Nam xứ Nghệ. 

Đầu năm 1931, các đồng chí Lê Xuân Đào (Trưởng ban Tài chính của Xứ ủy Trung kỳ), Lê Mạnh Duyệt và Nguyễn Hữu Bình (đặc phái viên của Tỉnh ủy Nghệ An) lên Môn Sơn xây dựng phong trào cách mạng.

Chi bộ Đảng Môn Sơn chính thức được thành lập vào giữa tháng 4/1931, do ông Vi Văn Khang (người dân tộc Thái) làm Bí thư. Ngay từ khi mới thành lập, Chi bộ đã kêu gọi đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Kinh… trong vùng gia nhập các tổ chức quần chúng cách mạng. Làng nào cũng có các tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ Cứu quốc và Tự vệ đỏ. Chi bộ Đảng đã lãnh đạo đồng bào miền tây Nghệ An cướp chính quyền, giành độc lập về tay nhân dân.

Sự chuyển mình của miền Trà Lân nay

Theo quốc lộ 7A hướng lên Con Cuông, Anh Sơn - thủ phủ của “miền Trà Lân” - chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự phát triển và đổi thay của vùng đất này. Trước mắt chúng tôi là sắc xanh của rừng chè và cam, những vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, góp phần nâng cao đời sống vật chất của bà con nơi đây.

Nhiều doanh nghiệp đã được khuyến khích đầu tư ở vùng đất này, trong đó nổi bật là thương hiệu Mường Thanh với tổ hợp tiện ích đa dạng như khách sạn và siêu thị, tạo nên điểm nhấn cho trung tâm huyện Con Cuông. 

Gần đó là Khe Rạn, một bản thuần Thái thuộc xã Bồng Khê. Từ một nơi nghèo khó, chênh vênh bên những ghềnh đá, Khe Rạn đã thay đổi rõ rệt nhờ vào việc phát triển du lịch cộng đồng (homestay), với các câu lạc bộ cồng chiêng, văn nghệ và những món ăn bản địa hấp dẫn du khách từ khắp nơi.

Phong trào du lịch cộng đồng ở bản Nưa (xã Yên Khê) và bản Xiềng (xã Môn Sơn) đã tạo ra việc làm cho người dân trong vùng, trở thành một nghề có mức thu nhập cao, đồng thời trở thành một “đặc sản” của phố núi Con Cuông. Nhờ đó, người dân nơi đây đã từng bước nâng cao đời sống và phát triển kinh tế.

anh-tl6-1742287604.jpg
Cam bãi Phủ ở Anh Sơn tiếng thơm ngày càng lan xa.

Huyện đã thu hút các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu và hình thành các sản phẩm từ cam, rượu men lá, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung. Nhiều sản phẩm như đồ gia dụng bằng tre, cam quả, rượu men lá và trà túi lọc (dây thìa canh, cà gai leo, giảo cổ lam) đã vươn ra thị trường nhiều tỉnh trên cả nước. Đến nay, Con Cuông đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP.

Địa phương đang phát huy thế mạnh, hình thành các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm trên dòng sông Giăng thơ mộng. Các mô hình chăn nuôi lợn đen, gà đen và trồng cây ăn quả gắn với du lịch trải nghiệm cũng ngày càng phát huy hiệu quả. Người dân nơi đây đang cảm nhận rõ rệt sự đổi thay, nhờ những định hướng đúng đắn của huyện Con Cuông, góp phần tạo nên một vùng đất phát triển bền vững.

Lê Khánh