Sâm Cúc Phương - sản vật quý ven rừng nguyên sinh

 STNN - Từ giống sâm bị thất truyền, thầy giáo Nguyễn Đức Tuấn cùng Hợp tác xã sâm Cúc Phương BoChi (xã Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình) phát triển thành cả cánh đồng sâm giá trị.

Cánh đồng sâm Cúc Phương được nhân rộng từ giống cây bản địa.

Gian nan “hồi sinh” cây bản địa

Năm 2019, thầy giáo Nguyễn Đức Tuấn (Nho Quan, Ninh Bình) mong muốn phát triển một loại cây tiêu biểu cho bà con nông dân trong vùng. Anh được một nhóm bạn trong Bình Phước tư vấn nên trồng sâm vì hiệu quả kinh tế cao và họ sẽ trực tiếp gửi giống, gửi phân bón về để gieo trồng. Tuy nhiên, mọi sự chẳng dễ!

Củ sâm Cúc Phương sau khi thu hoạch vụ mùa năm 2023.

Giống sâm này được họ quảng cáo là sâm xuất Mỹ, tức là chuyên xuất khẩu sang Mỹ. Giống sâm có giá 8 triệu đồng/kg; phân bón, bán 240 nghìn/lít. Điều lạ lùng là tất cả sản phẩm giống, phân này bao bì đều không có nhãn mác. Cây khi trồng bị nấm, sâu bệnh rất nhiều, không thể kiểm soát. Khi thầy Tuấn yêu cầu họ cung cấp nguồn gốc giống, phân bón thì phía bên kia cắt đứt liên lạc.

Không nản chí, thầy Tuấn lại đi gõ cửa Viện Công nghệ môi trường nhờ PGS. Tăng Thị Chính phân tích giúp các sản phẩm kể trên. Sau đó, thầy tiếp tục trị bệnh, chăm sóc cho cây ra hoa, kết trái. Nhưng rồi toàn bộ cánh đồng sâm 3 ha lại gần như chết sạch.

Bước ngoặt bất ngờ là lúc cây trưởng thành, bà con nơi đây cho biết đây chính là loại cây bản địa. Bà con đi rừng khu bản Bống, bản Đa, bản Mạc đã gặp nhiều loại cây có hình dáng, màu sắc y như loại sâm này. Theo lời mách của bà con, thầy Tuấn cùng mọi người vào sâu trong rừng Cúc Phương tìm loại cây giống như thế về để trồng. Trời không phụ lòng người, sau một thời gian chăm sóc, cây giống phát triển tốt bởi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, cho cả một cánh đồng sâm hồng rực. Sau 2 năm, hợp tác xã đã chủ động hoàn toàn về giống.

Tháng 8/2022, được sự ủng hộ của người dân địa phương, chính quyền xã Cúc Phương và Liên minh HTX Ninh Bình, ông Nguyễn Đức Tuấn cùng một số hộ trồng sâm trong xã đã liên kết thành lập HTX sâm Cúc Phương Bochi do ông Quách Văn Kỳ làm Giám đốc và ông Tuấn làm Cố vấn kỹ thuật. Hợp tác xã với 8 thành viên, hơn 6 ha diện tích trồng sâm tại địa bàn xã Yên Quang và Cúc Phương.

Ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ cùng các chuyên gia về phương pháp canh tác hữu cơ.

Quy trình chuẩn hữu cơ cho sâm tính năng đặc hữu

Sâm Cúc Phương được gieo hạt vào mùa Xuân. Trước đó, đất vườn ươm phải được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, lên luống và bón lót bằng phân chuồng ủ hoai. Sau 5-6 tháng, sâm sẽ trổ hoa. Hoa sâm từ 3-9 tháng tuổi là có thể thu hoạch.

Trong quy trình sản xuất sâm Cúc Phương chuẩn hữu cơ, đất phải được cày bừa kỹ 4 lần, sau đó rải phân hữu cơ đã được ủ vi sinh từ 1 năm trở lên, phải làm cỏ bằng tay, nước tưới là nước đầu nguồn... Đặc biệt, vùng trồng phải là vùng có thổ nhưỡng phù sa núi. Tất cả tinh chất núi rừng như đá bị phong hóa bề mặt, lá cây rừng, vi sinh vật, nước, v.v. từ trên núi chảy xuống chân núi, hỗn hợp này tạo nên thổ nhưỡng phù sa núi giàu chất dinh dưỡng.

Các cá nhân, tổ chức tham quan xưởng chế biến của Hợp tác xã Sâm Cúc Phương BoChi.

Sâm được chăm sóc bằng dịch trùn quế, đạm cá, vi sinh kết hợp mật mía; khi sâu bệnh, được trị bằng chế phẩm sinh học từ tỏi, ớt... Ông Quách Văn Kỳ - Giám đốc HTX Sâm Cúc Phương Bochi cho biết: “Cây sâm Bố Chính tại đây phải đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe. Từ bón lót, bón thúc đều dùng phân hữu cơ, công tác phòng trừ sâu bệnh cũng hoàn toàn thủ công, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật”.

Nhờ được chăm bón tỉ mỉ bằng các phương pháp canh tác hữu cơ, hầu hết sâm Cúc Phương do các thành viên HTX ươm trồng đều có củ to, đảm bảo độ tươi sạch và có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Trung bình mỗi củ nặng từ 200-300g, có những củ đột biến nặng tới 500g.

Quy trình chế biến sâm Cúc Phương cũng vô cùng công phu: phải rửa dưới dòng nước một chiều, bắt buộc phải sấy lạnh, khử khuẩn UV... Từ những quy trình sản xuất, chăm sóc đặc biệt như vậy kết hợp với điều kiện tự nhiên ưu đãi đã tạo ra sản phẩm sâm sạch, chất lượng cao.

Sản phẩm sâm Cúc Phương được tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

Sản phẩm từ sâm được giới thiệu, trưng bày tại các triển lãm nông nghiệp.

Năng suất đạt khoảng 10 tấn/ha sâm tươi. Với giá bán từ 250.000 - 400.000/kg củ tươi, sau khi trừ hết chi phí, người dân thu lời từ 250-300 triệu/ha/năm. HTX cũng tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu/người/tháng.

Tiềm năng lớn và khát khao phát triển

Kết quả kiểm nghiệm bởi Tổng cục Đo lường chất lượng và Viện Vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam cho thấy, cây sâm Cúc Phương cho nhiều hoạt chất tốt có dược tính cao như Saponin, các Axit amin và Canxi. Tác dụng nổi bật của sâm Cúc Phương là chữa bệnh đại tràng. Ngoài ra, sâm Cúc Phương còn có tác dụng trị mất ngủ, trị mỡ máu, tiểu đường.

Một số khách hàng, bà con ở khu vực lân cận tìm đến và sử dụng sản phẩm sâm của Hợp tác xã đều cho phản hồi tích cực.

Thành phẩm hiện tại của sâm Cúc Phương gồm: bột sâm, trà sâm và rượu sâm. Hiện tại, sản phẩm sâm Cúc Phương chủ yếu được bán online tới khách hàng trong nước và đặc biệt được khách hàng khu vực tỉnh Ninh Bình ưa chuộng.

Năm 2023, khoảng 4.000 hộp bột sâm Tiến Vương đã được bán ra thị trường. Ước tính, sản lượng tối đa có thể lên tới vài chục nghìn hộp/năm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dùng  sâm Tiến Vương của khách hàng trong và ngoài nước.

Ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nho Quan cho biết, chủ trương huyện và tỉnh đều ủng hộ HTX sâm Cúc Phương BoChi. Bước đầu phía huyện hỗ trợ HTX về giống vốn, phía liên minh HTX tỉnh hỗ trợ một phần về máy móc thiết bị chế biến. Cây sâm Cúc Phương có tiềm năng phát triển, tuy nhiên sâm là giống cây trồng dễ bị nấm. Huyện cũng đã cử cán bộ cùng thầy Tuấn sang Hàn Quốc để học hỏi phương pháp trị bệnh. Hiện tại, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đơn vị thì mới mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Khi được hỏi điều mong muốn lúc này, thầy Tuấn hào hứng: “Tôi muốn tạo ra một sản phẩm đặc biệt của quê hương. Có thể trở thành là chỉ dẫn địa lý của Ninh Bình. Tôi mong muốn sẽ lan tỏa được những công dụng tuyệt vời của sản phẩm này tới tất cả mọi người”.

Sâm Việt được tiếp thị tại Hàn Quốc - đất nước nổi tiếng về sâm.

"Tương tự sâm Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh nổi tiếng như vậy phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Do đó, tôi mong muốn các cấp, các ngành sẽ đồng hành cùng HTX, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa cây sâm Cúc Phương không chỉ phát triển trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế" - thầy Tuấn chia sẻ.

Tháng 7/2023, sâm Cúc Phương được UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận OCOP đạt hạng 3 sao. Được biết, trong “Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Nho Quan 2023”, sâm Cúc Phương được chọn làm quà để tặng các đơn vị. Sản phẩm sâm Cúc Phương cũng đã được mang tới tiếp thị tại Hàn Quốc - đất nước nổi tiếng nhất về sâm.

                                                                              
Phong Việt