Cá tra (P. hypophthalmus) là một trong những đối tượng xuất khẩu quan trọng, mang lại nhiều giá trị kinh tế cho các hộ nuôi cá ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng sinh sản tốt, đặc biệt do tỉ lệ thịt cao và không có xương phụ, đây là loài cá được hầu hết người tiêu dùng chấp nhận.
Tuy nhiên, khi các hệ thống chăn nuôi mở rộng và việc thâm canh hóa với mật độ cao trong khi môi trường ao nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ, mối nguy về sức khỏe và các vấn đề về dịch bệnh trên cá tra ngày càng tăng.
Sự xuất hiện của bệnh lở loét trên cá da trơn ở nhiều khu vực châu Á nói chung và trên cá tra nói riêng từ những năm 2020 làm tăng mối lo ngại về một dịch bệnh mới lan rộng. Đặc điểm chung của bệnh lở loét ở cá da trơn là tổn thương ăn sâu gây hoại tử trên da và cơ của cá. Da cá là loại mô linh hoạt, đóng vai trò như tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại bệnh tật và cản các chất ô nhiễm trong nước. Các vết loét là nơi để các sinh vật gây bệnh xâm nhập vùng da bị tổn thương, đe dọa cả quần thể cá nuôi và cá hoang dã.
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào đề cập đến bệnh lở loét trên cá da trơn nuôi tại ĐBSCL, đặc biệt là đối với cá tra. Do đó, nhóm tác giả ở Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã thực hiện nghiên cứu “Phân lập, định danh và đặc điểm của vi khuẩn Vibrio mimicus, gây bệnh lở loét trên cá tra nuôi ở ĐBSCL”.

Cá bệnh kích thước từ 200 - 700 g, ở giai đoạn nuôi từ 3 – 6 tháng, được thu sống rồi gây mê, phân lập kiểm tra các mầm bệnh trực tiếp tại các ao nuôi thâm canh (mật độ 80 – 120 con/m2) thuộc các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp. Tại mỗi ao, nhóm còn thu cả các mẫu cá khỏe để làm đối chứng.
Vi khuẩn được phân lập từ vết loét da, cơ, gan và thận bằng phương pháp cấy ria trên môi trường TSA.
Kết quả cho thấy, da cá tra nhiễm bệnh lở loét có các dấu hiệu hoại tử lớp biểu bì, một số trường hợp vết loét ăn sâu. Bên cạnh đó, từng phần cơ của cá bệnh cũng bị hoại tử mềm nhũn và một vài trường hợp cá bệnh có dấu hiệu xuất huyết, phù mắt đi kèm. Một đặc điểm đặc trưng khác của bệnh lở loét là cá có mùi hôi tanh nồng và da tiết nhiều nhớt. Khi vết loét càng ăn sâu thì mùi tanh càng rõ. Bên trong nội quan cá bệnh ghi nhận gan, thận và tỳ tạng sưng to, các mạch máu màng bụng phình to nổi rõ, một vài trường hợp có ghi nhận trong xoang bụng có dịch màu hồng tương tự bệnh phù mắt xuất huyết do vi khuẩn A. hydrophila.

Qua các thí nghiệm, vi khuẩn V. mimicus được xác định là tác nhân gây bệnh lở loét trên cá tra nuôi thâm canh. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, cần có thêm các nghiên cứu về mô bệnh học, dịch tễ học v.v để đánh giá toàn diện hơn về khả năng gây bệnh của mầm bệnh mới nổi này, từ đó mới có thể đưa ra phương pháp phòng trị bệnh phù hợp.
Bệnh được ghi nhận bùng phát mạnh vào các tháng mùa khô ở ĐBSCL, kéo dài từ tháng Hai đến tháng Năm. Đây là thời điểm có nền nhiệt độ cao nhất trong năm tại ĐBSCL, do đó nghiên cứu kết luận, yếu tố nhiệt độ và chất lượng nước kém là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khả năng vi khuẩn Vibrio spp. bùng phát mạnh.
Ba chủng vi khuẩn V. mimicus được phân lập trên các mẫu cá tra bị bệnh lở loét gồm NV9, VH120 và CT5 - đều thuộc nhóm vi khuẩn Gram âm, có độc lực cao, gây chết cá với tỷ lệ lần lượt là 100%, 100% và 60% sau 14 ngày.