STNN - Hầu hết các loài sâm trong họ Nhân sâm (Araliaceae) được sử dụng làm thuốc trong Y học cổ truyền, chúng là những cây thuốc quý, được ưa chuộng và có giá trị cao. Những nghiên cứu về hóa học đã có cho biết các hợp chất tự nhiên từ các loài trong họ Nhân sâm rất đa dạng, phong phú, đặc biệt là các hợp chất của saponin, các ginsenosid, các flavonoid, các polysaccharide...
Một số loài Sâm phân bố ở Việt Nam được biết đến có giá trị cao như sâm Ngọc Linh, Cát sâm, Đẳng Sâm... nhưng còn rất nhiều loại sâm giá trị cao chưa biết đến, chúng phân bố rộng và thường tập trung nhiều ở vùng núi, có khí hậu ôn hòa. Đến nay, những nghiên cứu sâu về mặt sinh học cũng như hóa học ở các loài Sâm quý tại Việt Nam còn rất ít. Cây sâm Nam đã sinh trưởng và phát triển rất tốt có thể coi là một tin vui cho ngành công nghiệp dược phẩm của nước nhà. Việc bảo tồn loài sâm quý này cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành và người dân bản địa. Các loại Sâm quý đều có chứa những hoạt chất tự nhiên được sinh tổng hợp và tích lũy trong củ, thân, lá là các hợp chất tritepen, các saponin, các polysaccharide, các flavonoid...
Đối với sâm nam núi Dành, tuy không thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) mà thuộc họ đậu (Fabaceae), họ cát sâm, khi phân tích định tính thì nó lại chứa các hoạt chất như các loại Sâm quý trong họ Sâm là các saponin, các polysaccharide, các flavonoid. Như vậy có thể nói Sâm Nam Núi Dành cũng là một loại Sâm quý cần được khai thác và nhân rộng, sử dụng hiệu quả và bền vững. Do vậy, để có thể sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ nhằm bảo tồn và phát triển giống sâm nam núi Dành quý hiếm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, đồng thời góp phần duy trì danh tiếng, nâng cao giá trị kinh tế và đời sống người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm sâm nam núi Dành, ThS. Đinh Võ Sỹ cùng các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Đất và Phân bón vùng Trung du - Viện Thổ Nhưỡng Nông hóa đã thực hiện dự án: “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm nam Núi Dành, tỉnh Bắc Giang” với mục tiêu cụ thể đó là: Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm sâm Nam, tỉnh Bắc Giang; Lập hồ sơ và hoàn thiện thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm nam, tỉnh Bắc Giang, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ; Xây dựng và vận hành hệ thống tổ chức, quản lý chất lượng sản phẩm sâm nam mang chỉ dẫn địa lý, đảm bảo sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý khi tiêu thụ trên thị trường được kiểm soát chặt chẽ.
Từ các kết quả thu được, nhóm thực hiện dự án đưa ra các kết luận sau:
1. Quá trình xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm nam núi Dành của tỉnh Bắc Giang
Nhóm thực hiện dự án đã xây dựng được bộ tiêu chí đặc thù về hình thái cảm quan, chất lượng sản phẩm sâm nam núi Dành làm cơ sở cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý; đã chứng minh và làm rõ tính chất đặc thù của sản phẩm, mối liên hệ hữu cơ của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và con người khu vực địa lý được bảo hộ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, từ đó hoàn thiện bảo đồ khu vực chỉ dẫn địa lý.
2. Tiến hành nộp đơn theo đuổi chỉ dẫn địa lý cho Cục Sở hữu Trí tuệ theo quy định. Bộ hồ sơ được chấp nhận hợp lệ và đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm nam núi Dành
3. Xây dựng hệ thống nhận diện, công cụ quảng bá, phát triển và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
Đã xây dựng hệ thống nhận diện cho sản phẩm sâm nam núi Dành, bao gồm logo, tem nhãn và hệ thống quảng bá;
Đã xây dựng và ban hành các quy chế quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” cho sản phẩm sâm nam núi Dành của tỉnh Bắc Giang.
4. Tổ chức kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm
Bước đầu đã tiến hành kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm của các hộ sản xuất trong khu vực chỉ dẫn địa lý;
Các hộ đã áp dụng tốt quy trình canh tác cây sâm nam núi Dành, đảm bảo cây sinh trưởng tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
5. Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị
Đã khảo sát và thiết lập các phương án thương mại hóa sản phẩm nhân sâm nam núi Dành, hình thành các mối liên kết, nâng cao lợi nhuận trong chuỗi giá trị sâm nam núi Dành;
Đề xuất các kênh hàng cho sản phẩm sân nam núi Dành, mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh tế cho ngành hàng sâm nam núi Dành.
Kết quả nghiên cứu trên cùng bộ số liệu đi kèmm là cơ sở chứng minh tính đặc thù của sảm phẩm sâm nam núi Dành đủ điều kiện để đăng bạ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Trên cơ sở đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; đề nghị tiến hành các bước tiếp theo để phát triển thương hiệu và tổ chức kiểm soát chất lượng sâm nam núi Dành như đã được ghi trong chỉ dẫn địa lý. Vì đây là sản phẩm với giá trị y học, giá trị kinh tế, sản lượng đang ở mức hạn chế cho nên cần có các giải pháp tổng thế từng bước mở rộng diện tích trồng sâm nam núi Dành ở các khu vực địa lý phù hợp nhằm giúp cây sâm sinh trưởng phát triển tốt, hoạt tính trong củ đảm bảo tương đương với các sản phẩm nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và chế biến.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19785/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo Vista.gov.vn