STNN - Sau quá trình vận chuyển đường dài, thay đổi môi trường, thay đổi cách nuôi và quản lý, “gia súc ngoại” dễ bị stress, sức đề kháng của cơ thể giảm sút, sinh bệnh. Hai bạn trẻ đã sử dụng tất cả kiến thức chuyên môn của mình để thu thập các tài liệu khác nhau, đồng thời thực hiện các biện pháp như cách ly, phân nhóm, phòng chống dịch, tẩy giun… cho đàn gia súc.
Đám cưới giản đơn
Giống bò Simmental lớn lên rất đẹp, lông có màu trắng vàng hoặc trắng đỏ, da màu hồng. Vào lúc hoàng hôn, giữa khung cảnh mặt trời lặn và đồng cỏ xanh tươi, đàn gia súc gặm cỏ hiện lên đẹp như một bức tranh sơn dầu. Ngao Mộc Hi Lặc thích thú nắm tay bạn gái, đi sau đàn gia súc và thì thầm: "Đàn bò dê ở thảo nguyên sẽ cùng chúng ta già đi, trông chừng con cái chúng ta lớn dần".
Sau khi “đàn bò ngoại” vượt qua giai đoạn thích nghi, Ngao Mộc Hi Lặc và A Lạp Đằng Cát Như Cách đã cùng nhau tự học kỹ thuật phối giống bằng phương pháp lạnh, lần lượt cho ra đời hơn 40 con bê con. Nhìn những chú bò ngoại “vươn cành”, “vươn lá” thành công trên đồng cỏ, đôi trẻ thở phào nhẹ nhõm. Họ đã tổ chức một đám cưới đồng cỏ đơn giản và ấm áp cho riêng mình. Mọi người hát hò, nhảy múa và dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho cặp đôi.
Ước mơ bao la như thảo nguyên
Trong ký ức của A Lạp Đằng Cát Như Cách, công việc đầu tiên mẹ cô dạy cô làm là nhặt phân bò. Cô nghĩ phân bò là bẩn. Mẹ cô bảo, phân bò là báu vật, không thể thiếu để đun nấu, sưởi ấm, còn có thể dùng làm phân bón cho cây trồng và ủ khí sinh học để tạo ra điện. Sấy phân bò là công việc hàng ngày của A Lạp Đằng Cát Như Cách. Cô phải chia phân bò thành các kích cỡ đồng nhất và xếp vào một nơi cố định để phơi khô. Nếu thời tiết thuận lợi, có thể đem phơi trong một buổi sáng.
Mạng lưới thông tin phát triển, Ngao Mộc Hi Lặc đã lắp đặt thiết bị giám sát đồng cỏ. Chỉ cần trượt nhẹ ngón tay, anh có thể xem đồng cỏ và gia súc ở chế độ xem 360 độ mọi lúc, mọi nơi trên điện thoại di động của mình và nó có thể được phát lại. Sau đó, anh đã cải tiến thiết bị giám sát để nó không chỉ có thể điều chỉnh tiêu điểm tự động mà còn hỗ trợ chức năng nhìn ban đêm. Với cách này, vợ chồng anh không còn phải ra đồng chăn thả gia súc, đỡ vất vả vì nắng gió. A Lạp Đằng Cát Như Cách rất xúc động, nói: "Nếu thế hệ của cha tôi có camera giám sát, họ sẽ không phải vất vả trên lưng ngựa với chiếc ống nhòm mà chạy theo đàn gia súc và đàn cừu trên thảo nguyên".
Ngồi ở nhà cũng có thể chăn thả gia súc? Những người chăn gia súc già rất ấn tượng về điều này: "Có học thức có khác, “đặt” toàn bộ trang trại vào điện thoại di động; ngay cả đi xa, cũng không cần phải lo lắng về gia súc ở nhà."
Nghe những lời này, Ngao Mộc Hi Lặc và A Lạp Đằng Cát Như Cách cảm nhận sâu sắc rằng, công nghệ hiện đại không chỉ mang lại tiện ích to lớn cho chăn nuôi truyền thống mà còn cải thiện điều kiện sống của người chăn nuôi. Hai người thầm hạ quyết tâm: “Đưa mọi người ở quê nhà đến với con đường khoa học kỹ thuật!”
Ngày nay, những đồng cỏ hiện đại trong tâm trí của hai vợ chồng trẻ đã bắt đầu hình thành. Để phù hợp với yêu cầu cân bằng của cỏ và động vật, họ thiết lập mô hình với số lượng vật nuôi hơn 20 con bò Simmental, hơn 20 con Angus và hơn 200 con dê trong phạm vi trên hơn 2.000 mẫu đồng cỏ. Sự hài hòa giữa nguồn thức ăn, môi trường đồng cỏ và số lượng, chủng loại vật nuôi, đã góp phần phát triển chăn nuôi, vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa giúp bảo vệ môi trường sinh thái.
"Thế giới đã trở thành một ngôi làng toàn cầu. Bạn sống và làm việc ở đâu không quan trọng, điều quan trọng là bạn không bị tụt lại phía sau". Ngao Mộc Hi Lặc dự định đưa vợ đi tham quan những nơi chăn thả hiện đại để tiếp tục cải thiện nền tảng cơ sở vật chất trang trại của mình, cập nhật trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá chăn nuôi.
Ngày qua ngày, cuộc sống trên thảo nguyên không còn nhiều lãng mạn. Nhưng dưới bầu trời đầy sao, Ngao Mộc Hi Lặc bất giác ngọt ngào với vợ: "Cảm ơn em đã trở về đồng cỏ với anh. Nếu như ban đầu em không chọn anh, mà ở lại Nga, hoặc đi đến thành phố lớn để tìm một công việc tốt, chắc chắn sẽ không phải chịu vất vả ở đây". A Lạp Đằng Cát Như Cách dựa vào chồng, nói rằng cô không hối hận chút nào, bởi đồng cỏ không chỉ là nhà của cô, mà còn là nơi cô hiện thực hóa hoài bão của mình. Đồng cỏ bao la, ước mơ bao la...
Mời các bạn theo dõi kỳ 1 tại đường link: https://sinhthainongnghiep.net.vn/chay-len-mot-nhiet-huyet-thanh-xuan-tren-ngoi-lang-toan-cau-ky-1/
Diệu Huyền (Theo Tạp chí Thanh niên nông thôn)