STNN - Do đặc điểm địa hình trải dài trên nhiều vĩ độ, khí hậu phân hóa đa dạng, miền Bắc có bốn mùa xuân hạ thu đông, miền Nam có mùa mưa và mùa khô, đất đai màu mỡ, vì vậy các sản phẩm rau quả của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, từ các loại rau quả nhiệt đới tới các loại rau quả xứ lạnh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đối diện với thực trạng được mùa mất giá và giá trị rau quả cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu còn thấp. Vì vậy, đầu tư phát triển công nghệ chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng gắn liền với việc đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế là hướng đi đúng, cần được quan tâm.
Những con số biết nói
Theo Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 6 tháng đầu năm 2022: sản lượng xoài đạt 590,6 nghìn tấn; vải 170 nghìn tấn; nhãn 183,9 nghìn tấn; dứa 426,7 nghìn tấn; cam 490,8 nghìn tấn; bưởi 282,8 nghìn tấn; chôm chôm 188,3 nghìn tấn; chuối 1.292 nghìn tấn; thanh long 606,8 nghìn tấn...
Ngoài quả, diện tích trồng các loại cây ngắn ngày của nước ta khá lớn: ngô 603 nghìn ha; khoai lang 61,5 nghìn ha; lạc 135 nghìn ha; rau đậu các loại 745,3 nghìn ha vì vậy sản lượng rau của nước ta cũng không nhỏ. Sản lượng rau quả Việt Nam đạt khoảng 30 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12-17%.
Ngành chế biến rau quả, công nghệ chế biến nông lâm thủy sản (nằm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) đóng góp 17% GDP cả nước, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên ngành này mới chỉ mới đáp ứng khoảng 8-10% sản lượng rau quả hàng năm. Đến nay, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch khá cao.
Quy mô chế biến nhỏ và siêu nhỏ, thị trường hẹp
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nước ta có trên 157 cơ sở chế biến rau quả ở quy mô công nghiệp. Công suất đạt 1,1 triệu sản phẩm/năm. Các địa phương tập trung các cơ sở chế biến lớn gồm: Bắc Giang, Ninh Bình, Gia Lai, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Giai đoạn 2017-2021, Doveco, Nafoods, TH, Lavifood, Hoàng Anh Gia Lai… đã đầu tư xây dựng, khánh thành mới 10 nhà máy chế biến hiện đại với công suất 190.000 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra, nước ta có hàng ngàn cơ sở chế biến nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình, các cơ sở chế biến này có ở khắp mọi vùng miền đất nước tuy nhiên chất lượng sản phẩm không đồng đều, đầu ra chưa ổn định.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến sâu hiện nay được đánh giá là thị trường hẹp một phần bởi thói quen tiêu dùng và các rào cản xuất khẩu. Tại thị trường trong nước, người Việt vẫn giữ thói quen sử dụng rau quả tươi còn ở thị trường xuất khẩu, chúng ta lại vướng nhiều rào cản xuất khẩu, như: các quy định ngặt nghèo về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chi phí logistics...
Lối mở và sự chuyển dịch sang chế biến sâu
Tuy khó khăn về thị trường nhưng nếu phát triển theo hướng chế biến sâu, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được chất lượng, giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp nhiều lần so với giá quả tươi. Có nhiều lý do để có thể tin tưởng rằng chế biến sâu là lối mở. Một trong các lý do là xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng trong và ngoài nước đang dần thay đổi. Xu hướng tiêu dùng mới chủ yếu hướng vào các sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Người tiêu dùng lựa chọn tiêu thụ những sản phẩm tinh, chất lượng, tiện dụng, giá trị cao.
Một mặt, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vừa là thách thức đồng thời cũng là một lợi thế, là cơ hội giúp các cá nhân, doanh nghiệp, tập đoàn tiếp cận công nghệ, nắm bắt các quy định thị trường, nắm bắt thông tin về sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả; cập nhật các thông tin về công nghệ chế biến, bảo quản rau quả; thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường các nước nhập khẩu.
Hiện nay, các sản phẩm trái cây và rau quả Việt Nam chế biến sâu chủ yếu ở dạng sấy khô, nước trái cây tươi, đóng hộp, cô đặc. Ngoài ra, kỹ thuật chiết tươi, sấy phun sương cũng đã được áp dụng thành công trên các loại nông sản giúp tối ưu hóa giá trị sản phẩm.
Sấy phun sương có những ưu điểm vượt trội như thời gian nguyên liệu tiếp xúc với nhiệt cực ngắn (chỉ trong khoảng 3-5 giây) giúp giữ nguyên vẹn được các đặc tính, mùi vị, màu sắc và hoạt chất vốn có của sản phẩm. Phương pháp này phù hợp để sấy các nguyên liệu có đặc tính nhạy cảm với nhiệt độ, bột sản phẩm tạo ra tơi xốp, mịn và đồng đều. Vì vậy, phương pháp chiết xuất sấy phun sương rau, quả (đặc biệt là các rau quả có mùa vụ thu hoạch ngắn, dễ hỏng) là một lựa chọn đáng lưu ý.
Cần làm gì để tháo gỡ khó khăn?
Tại các diễn đàn kết nối nông sản, các nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp đã nêu ra một số việc cần làm nhằm chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản, như: Cần đa dạng hóa công nghệ, nguồn lực, thương mại hóa các nghiên cứu trong chế biến, bảo quản rau quả; Có chính sách liên kết vùng nguyên liệu để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các thành tố; Có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, nhất là khối trường, vụ, viện, công nghệ sẽ khắc phục được vấn đề chất lượng sản phẩm chưa đồng đều từ khâu sản xuất, chế biến; Cần xác định được cấu trúc, giá thành sản phẩm; Phải nắm rõ lợi thế của từng thị trường, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin từ thị trường; Kích hoạt thị trường tiêu thụ nội địa đối với sản phẩm rau, củ, quả chế biến, đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị bền vững, phân tuyến tiêu thụ ngay từ địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cần có chính sách tín dụng phù hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn. Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cần có chính sách về giá điện theo vùng miền để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cho các nhà máy chế biến lớn; cơ sở chế biến vừa và nhỏ; đầu tư vào cơ sở chế biến phế phụ phẩm trong lĩnh vực rau, quả; trung tâm kết nối logistics nông sản. Cần giữ vững các thị trường truyền thống (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Hà Lan), đồng thời chinh phục thị trường mới như khu vực Trung Đông và châu Phi.
Hoàng Giáp