Hiểu mối quan hệ giữa lãng phí thực phẩm, biến đổi khí hậu và già hóa dân số

STNN - Các nhà thuộc trường Đại học Ritsumeikan (Ritsumeikan University) đã nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về sự phức tạp của rác thải thực phẩm gia đình ở Nhật Bản, mở đường cho các chiến lược hiệu quả để giảm thiểu tình trạng này.
close-up-hand-holding-wooden-board-1729654112.jpg
Hình minh họa - Nguồn: Freepik.

Chất thải thực phẩm gia đình là một yếu tố quan trọng góp phần gây ra tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm toàn cầu cũng như phát thải khí nhà kính, nhưng chúng ta không có nhiều thông tin về loại thực phẩm nào bị lãng phí nhiều nhất và bởi ai? Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã điều tra mối quan hệ giữa chất thải thực phẩm, loại thực phẩm và nhiều yếu tố kinh tế xã hội và nhân khẩu học khác nhau. Những phát hiện của họ sẽ giúp chúng ta xây dựng các chiến lược hợp lý để giảm thiểu lãng phí thực phẩm ở Nhật Bản và các nước phát triển đang có tình trạng già hóa dân số khác.

Sản xuất thực phẩm là một trong những trụ cột của nền văn minh nhân loại và là nền tảng cho nhiều thay đổi do con người gây ra đối với cảnh quan của hành tinh. Sản xuất thực phẩm và đưa thực phẩm đến tay người dân đòi hỏi phải tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tài nguyên. Thật không may, khoảng 1/3 tổng lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu không được tiêu thụ và thải bỏ. Do đó, để xây dựng xã hội bền vững, điều cần thiết là phải giảm thiểu chất thải thực phẩm.

Tại Nhật Bản, dựa trên ước tính của các tổ chức chính phủ đã có 2,47 megaton chất thải thực phẩm đã được tạo ra trong các hộ gia đình vào năm 2021, phần lớn trong số đó có khả năng vẫn có thể ăn được. Do đó, Nhật Bản vẫn còn nhiều điều kiện để giảm thiểu chất thải thực phẩm trong hộ gia đình. Tuy nhiên, vấn đề là không có nhiều thông tin về loại thực phẩm nào góp phần gây lãng phí thực phẩm nhiều nhất, lượng khí thải nhà kính liên quan đến chúng và liệu các nhóm dân số cụ thể có dễ lãng phí thực phẩm hơn hay không?

Hiện nay, một nhóm nghiên cứu do PGS Yosuke Shigetomi từ Khoa Khoa học và Kỹ thuật, Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản đứng đầu, cùng với bà Asuka Ishigami từ Đại học Nagasaki, PGS Andrew Chapman từ Đại học Kyushu và PGS Yin Long từ Đại học Tokyo đã bắt đầu giải quyết những khoảng trống trong kiến ​​thức này. Thông qua phân tích chi tiết về chất thải thực phẩm trong các hộ gia đình Nhật Bản kết hợp nhân khẩu học và xu hướng ăn uống, họ đã thiết lập được mối liên hệ quan trọng giữa số lượng và loại chất thải thực phẩm với lượng khí thải và độ tuổi liên quan của chúng. Phát hiện của họ đã được công bố trên tạp chí Nature Communications vào ngày 21/10/2024.

Để tiến hành phân tích, các nhà nghiên cứu đã thu thập số liệu thống kê về lượng thực phẩm tiêu thụ và chất thải từ các cuộc khảo sát đã công bố trước đó. Thông tin này giúp nhóm nghiên cứu xác định tỷ lệ giữa các phần ăn được/những phần không ăn được của hơn 2.000 sản phẩm thực phẩm, cũng như lượng thực phẩm thừa trong gia đình đối với các loại thực phẩm khác nhau. Bằng cách kết hợp các dữ liệu này với số liệu thống kê kinh tế xã hội liên quan đến thực phẩm, họ đã tìm ra mối quan hệ tuổi tác và các yếu tố khác ảnh hưởng đến số lượng và loại thực phẩm bị lãng phí của khoảng 200 loại thực phẩm.

Một trong những phát hiện đáng chú ý nhất là lượng rác thải thực phẩm trong gia đình tính theo đầu người dường như tăng đáng kể theo độ tuổi của người đứng đầu hộ gia đình, vì các hộ gia đình lớn tuổi có khả năng tạo ra lượng rác thải thực phẩm gần gấp đôi so với các hộ gia đình có người đứng đầu ở độ tuổi 30. Rau cũng là loại thực phẩm bị lãng phí nhiều nhất. Tương tự như vậy, lượng khí thải nhà kính liên quan đến rác thải thực phẩm cũng tăng theo độ tuổi của người đứng đầu hộ gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, rau, đồ ăn chế biến sẵn, cá và hải sản là những tác nhân lớn nhất.

Tổng hợp lại, các kết quả nêu bật cách tuổi tác có thể liên quan trực tiếp đến rác thải thực phẩm và lượng khí thải nhà kính liên quan. Tiến sĩ Shigetomi nhận xét: "Dân số già hóa sẽ là một trong những yếu tố ẩn nhưng quan trọng cần xem xét khi đề xuất các chiến lược giảm rác thải thực phẩm do các hộ gia đình tạo ra trực tiếp". Hơn nữa, việc xác định rau và thịt là nguồn rác thải thực phẩm chính hoặc phụ nhưng cả hai đều là nguồn khí nhà kính chính cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu loại thực phẩm nào góp phần nhiều nhất vào những vấn đề này, từ đó cho phép xây dựng các biện pháp can thiệp và chính sách có mục tiêu hơn. Tiến sĩ Shigetomi cho biết thêm: "Điều cần thiết là phải chú ý nhiều hơn đến sở thích ăn uống và lối sống của các thế hệ khác nhau, đặc biệt là khi bạn có mong muốn chuyển sang chế độ ăn chay để chống lại biến đổi khí hậu".

Những phát hiện của nghiên cứu này sẽ giúp phát triển các chiến lược hiệu quả nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm và nâng cao nhận thức về mối đe dọa môi trường mà nó gây ra. Các chiến dịch giáo dục có thể giúp mọi người lưu tâm hơn đến thực phẩm họ tiêu thụ, cách họ nấu và bảo quản thực phẩm, cũng như lượng thực phẩm bị vứt bỏ.