Kinh tế tuần hoàn – hướng đi mới cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam (Kỳ 3: Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong các hợp tác xã nông thôn ở Việt Nam)

STNN – Những năm qua, các hợp tác xã nông nghiệp đã có những bước chuyển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, khẳng định vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc ứng dụng các mô hình tuần hoàn trong hoạt động của các hợp tác xã hiện mang lại nhiều giá trị về kinh tế, môi trường, xã hội nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại.

Những năm qua, các hợp tác xã nông nghiệp đã khẳng định vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Mô hình sản xuất khép kín tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong các hợp tác xã nông nghiệp

Như đã đề cập ở kỳ trước, việc ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn (KTTH) vào sản xuất nông nghiệp đã được Đảng, Nhà nước xác định là chìa khoá quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp nước ta phát triển. Nhiều chương trình, đề án, hoạt động cụ thể đã được triển khai nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp tuần hoàn (NNTH). Ví dụ như Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp 2013 – 2019” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được triển khai ở 10 tỉnh thành bao gồm Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Hay một số mô hình đang được áp dụng tại các địa phương, như: mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp ở xã Yên Cường (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), mô hình “Công viên tuần hoàn” ở Cần Thơ, mô hình sản xuất khí sinh học Biogas từ chăn nuôi phục vụ cho chế biến và làm phân bón tại Mộc Châu (Sơn La)… Ở quy mô nhỏ hơn, một số hợp tác xã (HTX), trang trại nông nghiệp, các hộ gia đình cũng đã thực hiện nhiều mô hình vườn – ao – chuồng (VAC) được Hội Làm vườn Việt Nam khởi xướng từ những năm 1986 và các biến thể của nó như vườn – ao – chuồng – biogas (VACB), vườn – ao – chuồng – rừng (VACR)… mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F; mô hình chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm ống hút, đồ dùng,…

Hiện chưa có một thống kê chính thức về việc áp dụng mô hình tuần hoàn trong hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) ở nước ta. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, mô hình này đã được khá nhiều các HTX ứng dụng, triển khai. Các mô hình này không chỉ khắc phục sự bất hợp lý trong quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp mà còn là giải pháp để trả lại độ phì nhiêu cho đất, đem đến những kết quả tích cực về cả năng suất, lợi ích kinh tế cũng như giảm thải ra môi trường. Giá trị kinh tế của các HTXNN nhờ đó mà được cải thiện, thay đổi rõ rệt. Một số ví dụ tiêu biểu như HTX Toàn Sáng (Lạng Sơn) đạt doanh thu 100 triệu đồng/tháng (năm 2021), hay như HTX ở Đồng Khu (Phú Thọ) đạt doanh thu 04 tỷ đồng/năm 2019 nhờ áp dụng VAC. Một ưu điểm nổi bật của các mô hình HTXNN tuần hoàn đó là tất cả phụ phẩm, chất thải của công đoạn này được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho công đoạn sau, được vận hành liên tục theo quy mô khép kín, do đó ít chịu sự tác động, rủi ro của các yếu tố thị trường. Bên cạnh đó, việc các HTX đã mạnh dạn áp dụng các mô hình HTXNN tuần hoàn cũng cho thấy những bước tiến lớn trong tư duy về NNTH, thay đổi tâm lý lo ngại, sợ rủi ro, thói quen làm nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún…

Nhìn từ thực tế tại nhiều HTXNN tại Việt Nam, có thể thấy ứng dụng phổ biến nhất của KTTH đó là mô hình VAC. Mô hình này đã xuất hiện rất sớm (1986) và đang được phát triển rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Cơ chế hoạt động của mô hình VAC về cơ bản là được quản lý và phát triển như một mô hình sản xuất tổng hợp, khép kín phi chất thải. Trong đó, “Vườn” cung cấp các thức ăn cho chăn nuôi (rau, cỏ, thân cây đậu, ngô, rau lang, lá sắn…), ngược lại “Chuồng” cung cấp phân bón được chế biến từ chất thải gia súc, gia cầm cho cây trồng trong “Vườn”. “Ao”cung cấp nước tưới và bùn làm tăng chất lượng đất cho cây trồng trong “Vườn”, ngược lại nhiều cây thực vật từ “Vườn” có thể làm thức ăn cho cá trong “Ao”. Nhiều sản phẩm và phụ phẩm từ “Ao” là nguồn thức ăn bổ sung có chất lượng cho chăn nuôi gia cầm (ruột, xương và đầu tôm, cá các loại…) làm thức ăn bổ sung với lượng đạm cao cho gia cầm. Nước từ “Ao” rất cần để rửa sạch và vệ sinh hệ thống chuồng trại chăn nuôi và sau đó có thể xử lý để quay trở lại “Ao” với nguồn dinh dưỡng tốt cho cá… Chất thải gia súc sau khi phân hủy để tạo khí sinh học thay thế chất đốt truyền thống (củi, than đá, rơm rạ…) thì bã thải của nó trở thành nguồn thức ăn có giá trị để nuôi cá, hoặc nuôi giun làm thức ăn cho cá hoặc cho gia cầm… Tại các HTXNN, việc triển khai VAC cũng theo cơ chế hoạt động cơ bản nêu trên nhưng được điều chỉnh tùy vào điều kiện (thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình,…) của từng địa phương và khu vực, như: Khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, các HTXNN hoặc các hộ gia đình thường sẽ lựa chọn các vật nuôi như gà đồi, lợn đen,… và các cây trồng như cam, chanh, bưởi để phù hợp với địa hình; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường sẽ tập trung nuôi thủy hải sản, kết hợp với trồng lúa và chăn nuôi.

Dưới góc độ kinh tế, VAC tạo nguồn thu nhập cho các nông hộ và là giải pháp cho vấn đề chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp thâm canh, đa dạng, bền vững tại các vùng nông thôn tại Việt Nam. Việc sản xuất theo một chu trình khép kín cũng giúp cho các HTX, các hộ gia đình tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận thu về, đồng thời giảm thiểu các rủi ro, phụ thuộc vào thị trường cung ứng nguyên vật liệu bên ngoài.

Dưới góc độ xã hội, mô hình VAC giúp cho các hộ gia đình, các thành viên của các HTX phát huy được quyền sở hữu tư liệu sản xuất (đất đai, phương tiện, công nghệ sản xuất…), đồng thời giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động tại khu vực nông thôn, ngăn chặn tình trạng đất đai bị bỏ trống hay lao động di cư tới các thành phố lớn, các khu công nghiệp để tìm việc làm. Dưới góc độ môi trường, VAC giúp sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên đất, nước, năng lượng mặt trời và tất cả chất thải qua chu trình sản xuất khép kín; hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.

Mặc dù mô hình VAC đang được áp dụng ở nhiều HTX, nhiều địa phương trên cả nước, tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận những giá trị kinh tế mà mô hình này đem lại chưa cao; việc áp dụng các mô hình cũng phần nhiều mang tính tự phát, hoạt động theo kiểu truyền thống chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, nhiều mô hình chưa đảm bảo những yếu tố của một mô hình KTTH, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào mô hình còn vô cùng hạn chế. Đây không chỉ là thực trạng của riêng mô hình VAC mà là thực trạng chung của việc áp dụng mô hình KTTH trong ngành nông nghiệp nước ta. Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến sự chưa hiệu quả của các mô hình HTXNN tuần hoàn, có thể kể đến như:

Thứ nhất, thiếu hành lang pháp lý, cơ quan đầu mối trực tiếp ở các địa phương để quản lý, giám sát vấn đề này; thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về nông nghiệp tuần hoàn.

Thứ hai, nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân về nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ. Vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ, dẫn đến các mô hình KTTH được áp dụng trong nông nghiệp chưa đầy đủ, đúng nghĩa, hầu như chỉ là tự phát. Thói quen sản xuất nông nghiệp lạc hậu, tư duy sản xuất vẫn chủ yếu chú trọng đến gia tăng sản lượng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ.

Thứ ba, các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp tuần hoàn còn thiếu và yếu. Các HTXNN hiện nay còn bị hạn chế về cả nguồn vốn, nhân lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng cũng như trình độ quản lý, điều hành. Hầu hết các HTXNN đang ở quy mô nhỏ, rất nhỏ, chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia.

Thứ tư, khả năng liên kết trong áp dụng mô hình NNTH còn hạn chế, các HTXNN chưa phát huy được vai trò của mình trong chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý trong xây dựng NNTH.

Thứ năm, các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi để thu hút các HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào phát triển NNTH còn chưa đem lại nhiều hiệu quả, làm hạn chế các nguồn lực tham gia vào phát triển NNTH.

Thứ sáu, khả năng dự báo thị trường, xu hướng phát triển của nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế dẫn tới tính rủi ro cao; chưa xây dựng được các mô hình, phương thức, lộ trình phù hợp để phát triển NNTH.

Hướng đi nào cho các HTXNN trong bối cảnh hiện nay?

Để các HTXNN áp dụng hiệu quả mô hình KTTH vào sản xuất, thúc đẩy xây dựng NNTH là trách nhiệm không của riêng Nhà nước, của một đơn vị, tổ chức hay cá nhân nào, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của xã hội, với vai trò định hướng của các cơ quan quản lý, sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp, các nhà khoa học và vai trò chủ đạo của các HTX, hộ gia đình, người dân.

Đứng trước bối cảnh suy thoái kinh tế và nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt từ đại dịch Covid-19 vừa qua, Nhà nước cần có những điều tra, đánh giá nhằm xác định tác động, vai trò của ngành nông nghiệp với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh.

Hoàn thiện pháp luật về KTTH nói chung và NNTH nói riêng để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các hoạt động này trên thực tiễn, cũng như làm căn cứ cho các địa phương nhằm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, triển khai các phương án giám sát và triển khai các hoạt động này. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng cần phải ban hành nhiều hơn nữa các chủ trương, các chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho việc triển khai các mô hình NNTH trên cả nước, như hỗ trợ cho các HTXNN vay vốn với lãi suất thấp để phát triển NNTH, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học – công nghệ,…

Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức về NNTH, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nơi người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các mô hình sản xuất này. Cần tiến hành truyền thông nhằm lan toả thông tin, đồng thời cần nhân rộng mô hình NNTH điển hình và đã đạt được nhiều thành công trên cả nước để người dân lấy đó làm động lực để triển khai.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Các địa phương cần có chiến lược thu hút đầu tư phát triển NNTH, đẩy mạnh hợp tác giữa các HTXNN với nhau để cùng chia sẻ tri thức, kỹ thuật, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua các chương trình hợp tác về khoa học – công nghệ, các dự án đầu tư nước ngoài; đồng thời, cử các chuyên gia ở Việt Nam ra nước ngoài để đào tạo, học hỏi và cập nhật các mô hình NNTH cũng như các kỹ thuật mới.

Như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Đối thoại với nông dân (ngày 29/5/2022): “Đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và của nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn”, do đó, phải “Phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Để đạt được những mục tiêu đó, với vai trò là tổ chức tập hợp, đoàn kết người nông dân, các hộ gia đình ở khu vực nông thôn, hoạt động vì mục đích bảo vệ và nâng cao lợi ích, quyền lợi của các thành viên, HTXNN được coi là hạt nhân quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong giai đoạn tới, để phát huy hơn nữa những giá trị, đóng góp của các HTXNN, cần áp dụng một cách linh hoạt, khoa học, mô hình của các HTXNN tuần hoàn vào từng địa phương, từng khu vực vì một mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Vũ Huyền, Minh Phương, Hải Anh, Hồng Hạnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây