Sản xuất nông nghiệp tại nhiều tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng đang chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cần được nghiên cứu, đánh giá hiệu quả để nhân rộng.
Nhiều chuyên gia về nông nghiệp cho rằng: Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn không phải là chuyện đầu tư máy móc, trang, thiết bị hiện đại tiêu tốn nhiều tiền của. Mà là quá trình sản xuất khép kín, áp dụng công nghệ sinh học xử lý nguồn thải, phụ phẩm được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào phục vụ nuôi trồng, chế biến nông-lâm-thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
Hiệu quả từ hướng sản xuất mới
Trang trại Tiệp Oanh, ở thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên (Nam Định) những ngày này tấp nập người, xe ra vào mua bán lợn. Sản phẩm thịt lợn của trang trại được chứng nhận chuẩn VietGAP, đạt chuẩn OCOP, có giá bán cao hơn thịt lợn nuôi truyền thống khoảng 3.000 đồng/kg hơi, mà người tiêu dùng vẫn lựa chọn.
Ông Nguyễn Văn Tiệp - chủ trang trại cho biết: Mấy năm vừa qua nghề chăn nuôi lợn khá vất vả vì dịch bệnh. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi hoành hành, trang trại phải tiêu hủy hơn 10 tấn lợn hơi. Xoay xở tái đàn chưa được bao lâu, thì dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, khiến giá lợn trên thị trường giảm sâu (giảm từ 90.000 đồng/kg xuống còn 50.000 đồng/kg), làm người chăn nuôi “thiệt đơn, thiệt kép”.
Được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định hỗ trợ, tháng 8/2020, ông Nguyễn Văn Tiệp đầu tư xây dựng trại nuôi lợn có diện tích 14.000m2, theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Mô hình này có chuồng kín, lưới chống muỗi, có hệ thống thông gió, cấp nước, camera giám sát tự động; có đệm lót sinh học trên sàn nuôi lợn.
Đệm lót được làm từ vỏ trấu trộn men vi sinh có tác dụng khử mùi, đẩy nhanh tốc độ hoại mục chất thải của lợn, trở thành phân hữu cơ dùng trồng hoa, cây cảnh, trồng rau, cây màu vụ đông. Chăn nuôi theo phương thức mới, các chi phí đầu vào như: điện, nước, phòng, chống dịch bệnh đều giảm. Trong đó, lượng nước sạch giảm 70%-80%, do không phải tắm cho lợn, mà chuồng trại vẫn sạch sẽ. Đàn lợn tăng trọng nhanh nhờ ăn tốt, ngủ khỏe, thịt thơm, ngon được thị trường ưa chuộng.
Ông Nguyễn Văn Tiệp dự kiến thời gian tới duy trì quy mô nuôi 60 lợn nái, 300 lợn thịt, tạo sản phẩm lợn sạch tiếp cận các chuỗi phân phối lớn ở Nam Định và các địa phương trong cả nước.
Không riêng trang trại của ông Nguyễn Văn Tiệp, mà từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định đã xây dựng nhiều mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn như: Mô hình Trung tâm Giống gia súc, gia cầm ở xã Nam Cường (huyện Nam Trực), trang trại chăn nuôi lợn ở các xã Yên Thắng (huyện Ý Yên), xã Giao Hà (huyện Giao Thủy), xã Xuân Thủy (huyện Xuân Trường) đều sử dụng đệm lót chuồng sinh học. Sau khi bán thành phẩm, thì phần đệm lót sinh học sẽ được xử lý thành phân bón hữu cơ, làm gia tăng nguồn thu nhập cho người chăn nuôi.
Tại tỉnh Hà Nam, nhiều mô hình chăn nuôi vận hành theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng mang lại hiệu quả cao. Điển hình là trang trại của anh Đặng Xuân Nam, ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, có diện tích 30ha, nuôi hàng chục con bò sữa. Phân bò thải ra được công nhân thu gom vào hệ thống bể ủ men vi sinh.
Khi ủ đủ thời gian, thì dùng máy bơm hút, tưới chăm sóc cỏ voi làm thức ăn cho bò. Các chất thải ở trang trại này đều được coi là nguồn nguyên liệu sản xuất.
Sau khi thu hoạch cây húng quế dùng sản xuất tinh dầu, số bã thải ra của loại dược liệu này được anh Đặng Xuân Nam, thu gom ủ tập trung làm phân hữu cơ quay lại cải tạo đất, tạo nguồn dinh dưỡng, giúp các loại cây trồng đạt năng suất cao hơn. Nhờ đó, gia đình anh Đặng Xuân Nam tiết kiệm được 40% chi phí sản xuất.
Quan trọng hơn là xử lý triệt để tác nhân gây ô nhiễm, tạo môi trường xanh, sạch trong trang trại. Hay như mô hình nuôi “cá sông trong ao”, nuôi cá kết hợp trồng lúa, nuôi trùn (giun) quế... ở Hà Nam theo hướng kinh tế tuần hoàn, giúp giải quyết các vấn đề môi trường nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Tháo gỡ vướng mắc
Hiện nay, nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi rất lớn. Tỉnh Hà Nam hiện có gần 400 nghìn con lợn; 37 nghìn con trâu, bò và hơn 8,4 triệu con gia cầm. Tỉnh Nam Định có tổng đàn lợn hơn 641 nghìn con, gia cầm gần 10 nghìn con, đàn trâu hơn 7.700 con, đàn bò hơn 28 nghìn con. Nếu người chăn nuôi ở các tỉnh chỉ quan tâm đến sản phẩm chính mà bỏ qua nguồn thải, phụ phẩm, thì những nguồn thải sẽ tích tụ, dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Ở một số tỉnh khác như Ninh Bình, không ít nông dân vẫn có thói quen bón phân hóa học vào đất. Điều đó dễ làm cho cấu trúc đất bị thay đổi. Nếu tiếp tục sử dụng phân bón hóa học, đồng ruộng sẽ mất dần độ phì nhiêu. Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn là một xu thế tất yếu, gắn kết các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mục đích là nhằm giảm nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, còn nhiều nguồn thải, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay các địa phương chưa tái chế sử dụng. Tại Ninh Bình, trong 57 trang trại tổng hợp của tỉnh này mới có tám trang trại được đầu tư hệ thống xử lý chất thải tận dụng nguồn thải, phụ phẩm quay lại làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Một số địa phương khác cũng có tình trạng tương tự.
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân trước hết là chính sách hướng dẫn về phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn thiếu cụ thể. Các ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chưa nhiều, chưa được triển khai trên diện rộng; các chủ trang trại chưa có kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, gắn với xử lý nguồn thải, phụ phẩm phát sinh trong sản xuất. Nhận thức về lợi ích của việc chăn nuôi an toàn, tuần hoàn của một bộ phận nông dân hạn chế; tâm lý ngại thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ còn tồn tại, gây cản trở cho quá trình sản xuất quy mô lớn, tập trung.
Các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phụ phẩm sau thu hoạch.
Khuyến khích hoàn thiện các mô hình phát triển nông nghiệp trả lại tính hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nông nghiệp phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn là điểm khác biệt lớn với kinh tế nông nghiệp truyền thống. Do vậy, ngành chức năng ở Trung ương và các địa phương cần tổng kết đánh giá đúng mức, từ đó rút kinh nghiệm và phát triển mô hình này hiệu quả hơn, mới tạo chuỗi sản xuất theo hướng mới.
Theo https://nhandan.vn