STNN - Các chuyên gia về ngộ độc thực phẩm của ngành Y tế TP.HCM thống nhất nhận định về loại thực phẩm gây ra ngộ độc cho hơn 50 người sau tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights khả năng cao là từ bánh su kem hiệu Givral. Đồng thời, có 2 bệnh nhi sau khi xét nghiệm PCR phân đã có kết quả dương tính với vi khuẩn Salmonella spp.
- Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái nông nghiệp như thế nào?
- Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục chỉ đạo, nhắc nhở tăng cường phòng chống ngộ độc botulinum
Hơn 50 người bị ngộ độc thực phẩm
Vào lúc 17h30 ngày 29/9/2023, Ban quản lý chung cư Palm Heights địa chỉ số 02 đường số 4, Khu phố 3, phường An Phú đã tổ chức vui Trung thu cho các cháu là con của cư dân và nhân viên sinh sống tại chung cư. Tại đây, Ban quản lý chung cư Palm Heights có phát bánh su kem hiệu Givral (Choux tròn) cho khoảng 200 người (150 trẻ nhỏ và 50 người lớn), còn 10 phần bánh cũng phát lại cho nhân viên.
Đến ngày 01/10/2023, Ban quản lý chung cư Palm Heights nhận được thông tin về 5 trường hợp trẻ em ăn bánh có triệu chứng bị tiêu chảy, nôn ói, sốt. Đến sáng 02/10/2023, ban quản lý chung cư ghi nhận thêm một số trường hợp có triệu chứng tương tự.
Sau đó, Ban quản lý chung cư Palm Heights đã yêu cầu các cư dân còn giữ bánh và chưa dùng thì ngưng sử dụng bánh và báo cho Ban quản lý để thu hồi đem đi kiểm nghiệm. Nếu đã sử dụng và có dấu hiệu bất thường, ngay lập tức thông báo đến Ban quản lý hoặc đến các cơ sở y tế để được chăm sóc. Đồng thời, Ban quản lý cũng cung cấp mẫu bánh mà Ban quản lý lưu trữ tại văn phòng cho cơ quan chức năng để mang đi kiểm nghiệm và đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân.
Về thu dung điều trị, từ đêm ngày 01/10/2023 đến đêm ngày 02/10/2023, các bệnh viện gồm: Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã ghi nhận hơn 50 trường hợp bệnh nhân đến cấp cứu với cùng triệu chứng ngộ độc thực phẩm giống nhau như đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu phân lỏng nhiều lần.
Đáng lưu ý, trong số các trường hợp với triệu chứng ngộ độc thực phẩm này thì có bé P.N.Q. (sinh năm 2017), là con của nhân viên vệ sinh trong chung cư Palm Heights đã tử vong vào sáng 02/10/2023.
Bên cạnh đó, trong số những ca cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 do ngộ độc thực phẩm, có rất nhiều bệnh nhân không dự tiệc trung thu do Ban quản lý chung cư Palm Heights tổ chức nhưng có sử dụng bánh su kem có cùng nhãn hiệu Givral, cùng địa chỉ mua bánh.
Tất cả trường hợp ngộ độc đều có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn). Từ đó, các bác sĩ đã loại trừ khả năng bánh su kem bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc trung thu mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó.
Theo ghi nhận của PV, tính đến trưa ngày 04/10/2023, còn 17 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định và hiện sức khỏe các trường hợp trên đều đã ổn định.
Nguyên nhân ngộ độc là do bánh su kem Givral?
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã khẩn trương vào cuộc và phối hợp với các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân. Theo báo cáo của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, nguồn gốc bánh su kem nhãn hiệu Givral (Choux tròn) được bà Đinh Thị Thu Trang (sinh năm 1983) chủ hộ kinh doanh cà phê, nước giải khát nằm trong chung cư Palm Heights đặt tại cửa hàng bánh Givral (địa chỉ tại 208 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 22, quận Bình Thạnh). Cửa hàng này là nhà phân phối của Công ty Cổ phần Bánh GIVRAL.
Cũng theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra tại cửa hàng bánh Givral địa chỉ số 208 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 21, quận Bình Thạnh với kết quả là đoàn kiểm tra chưa phát hiện hành vi vi phạm tại cơ sở.
Cùng với đó, đoàn kiểm tra cũng đã kiểm tra và tiến hành lấy 06 mẫu (01 mẫu bánh và 5 mẫu nguyên liệu làm bánh) tại xưởng sản xuất bánh su kem (Choux tròn) của Công ty Cổ phần Bánh GIVRAL tại Lô II- 1B Lê Trọng Tấn, Khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú để đi kiểm nghiệm.
Mặt khác, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện đơn vị này vẫn đang tiếp tục phối hợp với Công an TP Thủ Đức để tiến hành xác minh vụ việc liên quan với Công ty Cổ phần Bánh GIVRAL.
Ngày 04/10/2023, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo nhận định từ các chuyên gia ngành Y tế TP.HCM thì nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính của vụ ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights.
Cụ thể, sau khi nghe tổ công tác báo cáo lại kết quả điều tra các trường hợp có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights (thực hiện vào ngày 03/10/2023) và các bệnh viện báo cáo cập nhật tình hình thu dung điều trị trường hợp ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ngộ độc thực phẩm của ngành Y tế TP.HCM thống nhất nhận định: đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo…).
Đồng thời, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ngộ độc thực phẩm của ngành Y tế TP.HCM cũng thống nhất nhận định về loại thực phẩm gây ra ngộ độc trong trường hợp này, khả năng cao là từ bánh su kem hiệu Givral (Choux tròn) sau khi loại trừ xúc xích nướng, nước uống cũng được dùng trong tiệc Trung thu. Nguyên nhân gây ra ngộ độc sau khi ăn bánh kem hiệu Givral (Choux tròn), khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn do tất cả các trường hợp ngộ độc đều có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn.
“Điều quan trọng đó là đã có trường hợp không dự tiệc Trung thu do Ban quản lý chung cư Palm Heights tổ chức nhưng vẫn bị ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh. Như vậy, loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc Trung thu, mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó” - thông tin của Sở Y tế TP.HCM nêu rõ.
Về tác nhân gây ra nhiễm khuẩn, các chuyên gia khẳng định cần chờ kết quả phân lập vi khuẩn (đang được Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM xử lý).
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong công tác cấp cứu ngộ độc hàng loạt ở trẻ em, BS Bạch Văn Cam - cố vấn chuyên môn BV Nhi Đồng 1 cho biết, có 2 nhóm tác nhân thường gặp gây ra ngộ độc thực phẩm gồm: Nếu các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ (sau khi ăn) thì thường là do độc tố enterotoxin của vi khuẩn tụ cầu; Nếu các triệu chứng xuất hiện muộn thường do cơ thể bị nhiễm khuẩn do tác nhân Salmonella spp gây ra.
Đến ngày 05/10/2023, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục cho biết, vi khuẩn Salmonella spp có trong phân của hai trẻ bị ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights. Theo đó, một bệnh nhi nam 6 tuổi với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy; được chẩn đoán là Viêm dạ dày ruột, nghi ngờ viêm ruột trực khuẩn; được xử trí truyền dịch tại Phòng khám và chỉ định xét nghiệm PCR phân, kết quả dương tính với Salmonella spp. với Ct value là 28.2.
Cùng với đó là một bệnh nhi nam 12 tuổi, bị đau bụng nhiều, sốt, tiêu chảy, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng cao, CRP tăng, kết quả siêu âm bụng là Viêm ruột, xét nghiệm PCR phân cũng cho kết quả dương tính với Salmonella spp. với Ct value 31.1. Hiện nay, sức khoẻ của 02 bệnh nhi này đã phục hồi tốt.
Được biết, Công ty Cổ phần Bánh GIVRAL có địa chỉ tại Lô II- 1B Lê Trọng Tấn, Khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM được thành lập vào ngày 19/12/2011 do bà Võ Thị Ngọc Liên làm người đại diện theo pháp luật. Theo giới thiệu, doanh nghiệp này chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm được chế biến từ sữa, ca cao, bánh từ bột..., đặc biệt là các loại bánh mang thương hiệu Givral. Hiện nay, doanh nghiệp này có 41 cửa hàng ở các vị trí trung tâm tại TP.HCM và Hà Nội để phân phối các sản phẩm.
Có thể thấy, Công ty Cổ phần Bánh GIVRAL là một doanh nghiệp chuyên sử dụng hàng nông sản như bột mì, sữa, ca cao... để tạo ra nguyên liệu chế biến các loại hàng hóa như bánh, kem, rau câu... Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các yêu cầu về nguyên liệu (bao gồm nguyên liệu từ nông sản) cần phải được kiểm tra chất lượng để đảm bảo không chứa các tạp chất có thể gây hại cho sức khỏe; có nguồn gốc an toàn, không chứa các hóa chất, vi khuẩn độc hại. Nguyên liệu từ nông sản phải tuân theo các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, từ quá trình thu hoạch, chế biến và vận chuyển; được kiểm tra và giám sát liên tục trong quá trình sản xuất cũng như các điều kiện bảo quản phải đảm bảo tính an toàn và chất lượng của nguyên liệu.
Liên quan đến vụ việc, trong ngày 04/10/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có chỉ đạo giao Ban Quản lý an toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi, khẩn trương điều tra, đánh giá nguyên nhân gây ngộ độc, cập nhật diễn biến tình hình các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP Thủ Đức.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm phải theo dõi sát tình trạng người bệnh, tích cực điều trị, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh. Giao UBND TP Thủ Đức phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, nhanh chóng khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn, hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Mặt khác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng giao Ban Quản lý an toàn thực phẩm tập trung các biện pháp ngăn chặn, tránh để xảy ra việc ngộ độc tương tự trên địa bàn TP.HCM. Giao TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường triển khai kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ việc đảm bảo an toàn thực phẩm phạm vi địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. |
Anh Đức