Chuyển đổi số quốc gia - Cơ hội chuyển mình của nông, lâm, ngư nghiệp Việt Nam

STNN - Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 505/QĐ-TTg lựa chọn ngày 10/10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành trong xu thế toàn cầu hóa và ngành nông, lâm, ngư nghiệp cũng không ngoại lệ. Theo các chuyên gia, để có thể phát triển đột phá, mạnh mẽ và bền vững trong tương lai, thì nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số. Việc này không dừng lại ở các giai đoạn canh tác, sản xuất, kinh doanh, lưu thông theo phương thức truyền thống; mà chuyển đổi số giúp đẩy cao năng suất làm việc, phát triển lợi nhuận, tối ưu hóa các khâu sản xuất và đem lại những cơ hội rộng mở.

Thực trạng ngành nông, lâm, ngư nghiệp tại Việt Nam

Dù những năm vừa qua, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có những dấu hiệu tích cực nhưng năng suất lao động của nông dân Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất châu Á. Nguyên nhân chính làm năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ chuyên môn chưa cao, sự tiếp cận đến những công nghệ sản xuất mới mẻ còn hạn chế. Chuyển đổi số giúp nông lâm, ngư nghiệp Việt Nam có những bước chuyển mình, thay đổi cục diện một cách tích cực.

Trong nông nghiệp

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nông nghiệp thông minh, chính xác và gia tăng sản lượng, tiết kiệm chi phí và nông dân có thể chủ động trong sản xuất.

IoT và cảm biến trên cánh đồng

IoT đang được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng để phục vụ hoạt động theo dõi các chỉ số, thông tin và hình ảnh về cây trồng, vật nuôi. Sử dụng công nghệ tiên tiến, mang lại những hiệu quả giúp nâng cao chất lượng nông sản. Tại Việt Nam, IoT chưa được áp dụng nhiều nhưng đây sẽ là xu hướng phát triển, thúc đẩy mạnh của cuộc cách mạng công nghệ.
IoT có thể cung cấp khả năng thu thập, hiển thị dữ liệu cho toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp. Cảm biến IoT thu thập dữ liệu liên quan đến các các chỉ số môi trường, như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, v.v. qua phân tích các số liệu này mà người nông dân có thể dự đoán được đối tượng trồng trọt nào thích hợp với điều kiện dự báo.

Robotics

Robot và trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp sẽ cải thiện năng suất, đem lại sản lượng cao và tiến độ nhanh hơn. Robot hỗ trợ trong việc xịt thuốc, làm cỏ để giảm thiểu sự can thiệp hay tiếp xúc của con người với hóa chất. Hay robot cũng để hỗ trợ cho việc thu hoạch nông sản, những con robot với kích thước nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển giữa các luống canh tác, tránh làm ảnh hưởng đến cây trồng.

Máy bay không người lái

Máy bay không người lái được sử dụng nhiều trong canh tác nông nghiệp ở các nước châu Mỹ và châu Âu. Thiết bị này thường được sử dụng vào mục đích giám sát cây trồng, sản xuất ra hình ảnh 3 chiều để dự báo chất lượng đất, phân tích và mô hình hóa cây trồng. Máy bay không người lái cũng thường dùng trong việc phun thuốc hay tưới nước từ trên cao với hiệu suất làm việc chính xác cao gấp nhiều lần các thiết bị khác.

Trong lâm nghiệp

Công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống và lâm nghiệp, lâm sản. Và công nghệ GIS (Geographic Information System) để thu thập, cập nhật, lưu trữ, tích hợp và xử lý, tra cứu, phân tích và hiển thị mọi dạng dữ liệu địa lý để phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng; giám sát độ phủ xanh và theo dõi các quần thể sinh vật sinh sống để kịp thời nắm bắt nguy cơ.

Trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản

Trong nuôi trồng, sử dụng công nghệ Biofloc là quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi tôm không cần thay nước; hay sử dụng công nghệ nano trong thủy sản giúp cải thiện chất lượng nước, tăng giá trị dinh dưỡng và kiểm soát bệnh tật của các sinh vật nuôi do khả năng diệt khuẩn của hạt nano.

Trong khai thác thủy sản cũng chuyển đổi số mạnh mẽ như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ.

Thu Hạnh