Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục chỉ đạo, nhắc nhở tăng cường phòng chống ngộ độc botulinum

STNN - Trong tháng 5/2023 này, tại TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố Clostridium botulinum. Nguyên nhân của vụ việc được cho là do mua và sử dụng các loại thực phẩm không có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, từ những đối tượng bán hàng rong.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc botulinum trên địa bàn T.P Hồ Chí Minh tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc botulinum trên địa bàn T.P Hồ Chí Minh tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cụ thể, ngày 14/5, 3 trường hợp là anh em trong cùng gia đình (ngụ tại TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã phải nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 vì lý do yếu chi dưới tăng dần, suy hô hấp, nghi ngộ độc botulinum. Theo người nhà, trước đó, 3 bé có ăn chả lụa không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu hư hỏng. Đến chiều cùng ngày, 3 bé bắt đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.

Tiếp đó, ngày 20/5, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị này cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) hội chẩn phát hiện thêm 3 ca nghi ngộ độc botulinum. Cả 3 bệnh nhân trên đều ở TP. Thủ Đức, trong đó, có 2 anh em ruột 18 tuổi và 26 tuổi, người còn lại là nam 45 tuổi. Khai thác bệnh sử, trước đó, 2 anh em có ăn bánh mì chả lụa, người đàn ông ăn mắm để lâu ngày. Kết quả xét nghiệm từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho thấy, bệnh nhân nhiễm độc botulinum nguồn gốc từ thức ăn.

Liên quan đến các vụ ngộ độc nói trên, mới đây, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã liên tiếp có 2 văn bản (ngày 23/5 và 17/5) gửi Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh về việc tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Theo đó, tại văn bản mới nhất, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai một số nội dung, cụ thể như sau:

  • Phối hợp với các Bệnh viện (Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chợ Rẫy) theo dõi sát diễn biến tình trạng bệnh nhân đang điều trị tại các Bệnh viện.
  • Tổ chức điều tra, xác minh nguồn gốc thực phẩm, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa không để các trường hợp ngộ độc tương tự xảy ra.
  • Tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, ngăn chặn kịp thời các cơ sở kinh doanh, sản xuất giò chả không đảm bảo an toàn có nguy cơ phát sinh lây nhiễm Clostridium botulinum. Đình chỉ ngay hoạt động của các cơ sở gây ra ngộ độc nêu trên, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh trên địa bàn không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
  • Đồng thời, tăng cường thông tin, giáo dục cho người dân không sử dụng những sản phẩm giò chả không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh các biện pháp vệ sinh, bao gói sản phẩm, hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân không tạo điều kiện môi trường yếm khí thuận lợi cho Clostridium botulinum phát triển.
8 chìa khóa phòng ngộ độc do độc tố botulinum (nguồn HCDC).
8 chìa khóa phòng ngộ độc do độc tố botulinum (nguồn HCDC).

Trước đó, từ cuối tháng 3/2023, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh/TP., Ban Quản lý an toàn thực phẩm một số tỉnh/TP. liên quan đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum cho cộng đồng.

  • Chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.
  • Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.
  • Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.
  • Đồng thời, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, điều tra xác định nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Trong trường hợp cần thiết, cần kết nối hội chẩn liên viện, bệnh viện tuyến trên để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh/TP., Ban Quản lý an toàn thực phẩm một số tỉnh/TP. chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

PV