STNN - Hoạt động nuôi cá sẽ ngày càng thân thiện với môi trường nhờ nước thải bắt nguồn từ quy trình chế biến đậu tương. Vi khuẩn trong chất lỏng này đã được sử dụng để sản xuất protein thay thế bột cá hiện đang được dùng làm thức ăn cho cá nuôi.
Cá nuôi nhốt không phải là cá đánh bắt tự nhiên, nên sẽ làm giảm áp lực lên trữ lượng cá trong tự nhiên và giảm tình trạng đánh bắt nhầm các loài cá ngoài mục tiêu, nhưng thức ăn dạng viên của cá nuôi, bao gồm bột cá làm từ cá nhỏ hơn được đánh bắt tự nhiên. Vì thế, các nhà khoa học Singapo đã đưa ra lựa chọn thay thế bột cá bằng cách nuôi cấy một số vi khuẩn trong lò phàn ứng sinh học. Các vi khuẩn này tạo ra các dưỡng chất hay protein đơn bào, được khai thác từ môi trường nuôi cấy lỏng của lò phản ứng, rồi khử nước, sau đó dùng làm thức ăn cho cá.
Tuy nhiên, môi trường sinh trưởng của vi khuẩn trong lò phản ứng sinh học khá tốn kém, chưa kể thường khó duy trì các điều kiện phát triển phù hợp. Do đó, việc sử dụng chất lỏng có chứa các quần thể vi khuẩn sản sinh protein mạnh mẽ sẽ làm giảm chi phí và dễ triển khai hơn nhiều. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapo và Đại học Bách khoa Temasek đã lấy nước thải đậu nành từ một công ty chế biến thực phẩm để tiến hành nghiên cứu.
Chất lỏng dạng bùn giàu vi khuẩn Acidipropionibacter và Propioniciclava, được đặt trong bốn lò phản ứng sinh học có dung tích 4 lít trong 136 ngày. Trong suốt thời gian đó, điều kiện oxy thấp và mức nhiệt 30oC được duy trì.
Các protein đơn bào do vi khuẩn sản sinh, được thu gom từ bùn. Sau đó, một nhóm gồm 60 con cá vược châu Á non được cho ăn theo chế độ, bao gồm một nửa bột cá và một nửa protein đơn bào trong 24 ngày, trong khi nhóm cá đối chứng chỉ ăn bột cá.
Vào cuối giai đoạn đó, người ta nhận thấy cá ở cả hai nhóm đều tăng trưởng như nhau, nhưng tốc độ tăng trưởng của cá ăn protein ổn định hơn. Kết quả thu được như mong đợi vì thực tế là cả hai chế độ ăn đều đáp ứng gần như hoàn toàn các yêu cầu về protein, axit amin thiết yếu và chất béo cho cá vược châu Á non. Thành phần duy nhất còn thiếu trong cả hai chế độ ăn là lượng axit amin lysine vừa đủ, có thể được bổ sung khi sử dụng trên thực tế.
GS. Stefan Wuertz tại NTU và là đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh thành công tiềm năng biến nước thải từ quy trình chế biến đậu tương thành nguồn tài nguyên quý giá làm thức ăn nuôi trồng thủy sản, góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế sinh học tuần hoàn”.
N.P.D (NASATI), theo Newatlas, 5/2024
Theo Vista.gov.vn