Sóc Trăng: Mô hình hợp tác xã là nơi gắn kết sản xuất và chuỗi tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân làm giàu

STNN – Khi tham gia vào hợp tác xã, tất cả các xã viên tại Sóc Trăng được hướng dẫn quy trình chăn nuôi, hỗ trợ vốn, tìm đầu ra… từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong khâu sản xuất, tiêu thụ, từng bước tạo liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp giúp người dân sẽ vượt qua nghèo khó để vươn lên làm giàu.

Theo thống kê, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay có 226 hợp tác xã với 31.942 thành viên. Các hợp tác xã phát triển ổn định và đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong việc tổ chức sản xuất ở nông thôn theo hướng làm ăn “muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã tại tỉnh Sóc Trăng cũng đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; đã liên kết tiêu thụ với 8 công ty, doanh nghiệp xuất khẩu được 6.000 tấn trái cây sang thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc và các siêu thị trong nước.

Mô hình hợp tác xã gắn kết sản xuất và chuỗi tiêu thụ sản phẩm đang dần giúp cho những nông dân tại tỉnh Sóc Trăng vươn lên làm giàu – Ảnh: Lao động.

Ngoài ra, các hợp tác xã còn tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật, khoa học – công nghệ vào sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Có thể kể đến như Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi tại xã Trinh Phú (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Hợp tác xã có 33 thành viên chỉ chuyên tâm canh tác vú sữa cho đạt chuẩn xuất khẩu, còn khâu tiêu thụ, giá cả thì đã được bao tiêu. Thông qua liên kết tiêu thụ, giá trị trái vú sữa được nâng lên đáng kể, giá bán cao hơn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với bên ngoài. Đặc biệt, trong 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt các loại nông sản rớt giá thê thảm thì vú sữa tím của Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi vẫn có chỗ đứng trên thị trường.

Chia sẻ với báo chí, ông Sử Quốc Lộc – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi cho biết: “Mỗi năm, Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn trái, trong đó xuất khẩu sang Mỹ 90 – 95 tấn, số còn lại được tiêu thụ ở phân khúc thị trường cao cấp trong nước. Nhờ đầu ra ổn định, nhiều thành viên đã khá giả từ loại cây trồng này. Bình quân, mỗi ha trồng vú sữa tím có lãi từ 150 – 180 triệu đồng/năm”.

Hay như tại Hợp tác xã Nông nghiệp Kiết Lập B, được thành lập vào năm 2015 với 33 thành viên đều chăn nuôi bò thịt. Khi tham gia vào hợp tác xã, tất cả các xã viên đều sẽ được hướng dẫn quy trình chăn nuôi, hỗ trợ vốn, tìm đầu ra… từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong khâu sản xuất, tiêu thụ, từng bước tạo liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp.

Các hợp tác xã tại tỉnh Sóc Trăng đang thể hiện rất tốt vai trò hỗ trợ kết nối thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, bảo đảm khâu đầu vào lẫn đầu ra giúp nông dân giảm thiểu rủi ro – Ảnh: Lao động.

Sau một thời gian phát triển, Hợp tác xã Nông nghiệp Kiết Lập B trở thành “cánh chim đầu đàn” trong liên kết sản xuất của huyện Thạnh Trị. Đặc biệt, đời sống của nhiều hộ dân nơi đây đã vượt qua nghèo khó, vươn lên làm giàu nhờ sự phát triển của hợp tác xã.

Ông Sơn Thanh Phong – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kiết lập B chia sẻ: “Sau 8 năm thành lập, 33 thành viên của hợp tác xã đều có điều kiện xây được nhà mới, trong đó 15 hộ thoát nghèo. Hộ có ít nhất là 3 con bò sinh sản, hộ có điều kiện lên đến 20 con, nhiều hộ nâng lên mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, mức thu nhập bình quân đầu người trong hợp tác xã trên 100 triệu đồng/năm, các thành viên không còn nuôi bò để giảm nghèo mà nuôi bò để làm giàu”.

Trong khi đó, chia sẻ về vai trò của các hợp tác xã tại tỉnh Sóc Trăng trong việc hỗ trợ người dân, ông Phạm Chí Nguyện – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian qua các hợp tác xã đã thể hiện rất tốt vai trò hỗ trợ kết nối thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, bảo đảm khâu đầu vào lẫn đầu ra giúp nông dân giảm thiểu rủi ro, các hộ dân có sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân”.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng mới đây đã làm việc với Nam Á Bank và Hợp tác xã OCOP Hoàn Cầu để nhằm phối hợp hỗ trợ tốt hơn nữa cho các xã viên.

Được biết, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các hợp tác xã, các xã viên tại tỉnh Sóc Trăng, mới đây ông Phạm Chí Nguyện đã thay mặt Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng có buổi tiếp Đoàn công tác phối hợp giữa Hội sở Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) và Hợp tác xã OCOP Hoàn Cầu khi đoàn đến thăm và làm việc. Các bên thống nhất quan điểm trong một số việc như: Đẩy mạnh hỗ trợ và cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cũng như nguồn vốn vay ưu đãi dành các hợp tác xã và xã viên với quy chuẩn canh tác “một giống một quy trình”.

Tại buổi làm vệc, đối với nhiệm vụ của đơn vị Xúc tiến thương mại và Tư vấn hỗ trợ toàn diện, ông Vũ Hoàng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hợp tác xã OCOP Hoàn Cầu cũng khẳng định vai trò của mình trong việc đẩy mạnh phân phối hàng hóa OCOP của tỉnh Sóc Trăng đến với 62 tỉnh thành bạn. Đây sẽ tiếp tục là một bước tiến mới trong việc gia tăng giá trị thương mại dành cho sản phẩm nông nghiệp của bà con xã viên tại tỉnh Sóc Trăng.

Hoàng Quyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây