Việt Nam có thể bảo đảm vấn đề an ninh lương thực

Đây là những thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về tình hình sản xuất nông nghiệp 7 tháng năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 1-8.

Việt Nam có thể bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7 năm 2022, sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản trên thế giới tăng cao, dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) đã giảm nhẹ nhưng sản xuất nông lâm thủy sản tiếp tục đạt kết quả khả quan, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng mạnh.

Theo đó, 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4%; lâm sản chính đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng 1,3%; thủy sản ước đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 34,2%; chăn nuôi ước đạt 225,6 triệu USD, giảm 11,6%; xuất khẩu đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 66,7%.

Đối với sản xuất nông nghiệp, về trồng trọt, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa và lúa thu đông, chăm sóc và thu hoạch lúa hè thu bảo đảm gieo trồng và thu hoạch lúa, hoa màu trong khung thời vụ tốt nhất; theo dõi, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại.

Về chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, hết tháng 7-2022, đàn lợn tăng trưởng 4,8%, đàn gia cầm tăng 1,6%; đàn bò tăng 2,6%; trứng đạt 18,4 tỷ quả; sữa đạt xấp xỉ 620 nghìn tấn. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 5 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, rủi ro về dịch bệnh, lạm phát tăng cao, các nền kinh tế lớn cũng gặp nhiều thách thức, Việt Nam có thể bảo đảm tốt vấn đề an ninh lương thực. Từ nay đến cuối năm, các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Về chăn nuôi, tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông sản phẩm chăn nuôi; tăng cường chỉ đạo triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn…

Về thị trường tiêu thụ, Bộ sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương theo dõi, khảo sát nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương, tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (đặc biệt tại các cửa khẩu); tiếp tục triển khai chương trình hợp tác chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Theo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây