STNN - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến khi ông chủ trì cuộc họp báo thường kỳ Quý I của Bộ NN&PTNT, diễn ra sáng ngày 31/3/2023. Cũng theo lãnh đạo Bộ này, trong Quý II/2023, ngành đặt ra mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng là 2,9 - 3,0%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm khoảng 14 tỷ USD.
- Giữ uy tín cho nông sản Việt
- Bộ tiêu chí cho nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử sẽ được hoàn thiện vào Quý 2/2023
- Quý I năm 2023: Nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông, lâm, thuỷ sản (NLTS) Quý I năm nay ước đạt 2,52% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,66% và thuỷ sản tăng 2,68%.
Thành tựu nói trên ngành nông nghiệp đạt được trong bối cảnh thời tiết ba tháng đầu năm khá thuận lợi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát. Bên cạnh đó, ngành gặp khó khăn giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức khá cao. Toàn ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm ổn định sản xuất, ứng phó với những biến động thị trường, thời tiết và dịch bệnh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Trong bức tranh tăng trưởng nói trên, có thể kể đến một số điểm sáng nổi bật, chẳng hạn như lĩnh vực trồng trọt với giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung. Đóng góp vào tăng trưởng ngành trồng trọt là lúa gạo, "vừa được mùa, vừa được giá"; trong đó, đến nay đã thu hoạch đạt 1.355,4 nghìn héc-ta lúa, tăng 5,9%, năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6%. Nhóm rau quả tăng; nhóm cây công nghiệp cũng tăng.
Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề nóng và cấp bách đã được các phóng viên báo, đài đặt ra và được Bộ NN&PTNT đáp ứng, trả lời. Đó là việc làm sao có thể gỡ thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) do những biểu hiện hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU); vấn đề giá lợn hơi giảm mạnh trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao; vấn đề phát triển nóng diện tích cây sầu riêng, về nguy cơ dịch bệnh do chó dại, mèo dại cắn và cách phòng ngừa...
Việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong những tháng đầu năm 2023 cũng gặp khó khăn mặc dù Bộ đã dự báo trước tình hình này từ cuối năm 2022. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch XNK 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái., trong đó xuất khẩu tính chung cả 3 tháng, ước kim ngạch đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân thực trạng trên do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. Thêm vào đó, do sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023.
Bước sang Quý II, ngành đặt ra mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng là 2,9 - 3,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 14 tỷ USD. Muốn vậy, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành sẽ tập trung tháo gỡ hai khó khăn lớn nhất là thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa - sức mua giảm.
Về vấn đề thị trường, ngành phải tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Ngay trong tháng 4/2023, ngành tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh, chuỗi sự kiện thực phẩm và đồ uống quốc tế tại Anh nằm trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Anh...
Bộ NN&PTNT cần nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu, như: thanh long, nhân xoài, sầu riêng, cây có mùi; đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, ngành vẫn phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.
Ngọc Kha