Sản xuất nông nghiệp tháng 10/2023 nhìn chung có sự phát triển ổn định

STNN - Sản xuất nông nghiệp trong tháng 10 tập trung vào chăm sóc, thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông trên cả nước và gieo trồng cây màu vụ đông ở phía Bắc. Chăn nuôi phát triển ổn định, giá lợn hơi giảm do dịch tả lợn Châu phi quay trở lại tại một số địa phương. Hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực.

Nông nghiệp

Lúa mùa

Vụ lúa mùa năm 2023 cả nước gieo cấy được 1.544,5 nghìn ha, bằng 99,5% vụ mùa năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc đạt 1.005,8 nghìn ha, bằng 98,3%; các địa phương phía Nam đạt 538,7 nghìn ha, bằng 101,8%.

Tính đến trung tuần tháng Mười, cả nước thu hoạch được 1.028,3 nghìn ha lúa mùa, chiếm 66,6% diện tích gieo cấy và bằng 106,9% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc thu hoạch được 699,2 nghìn ha, chiếm 69,5% và bằng 116%; các địa phương phía Nam thu hoạch được 329,1 nghìn ha, chiếm 61,1% và bằng 91,6%. Tiến độ thu hoạch lúa mùa các địa phương phía Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm trước do đầu vụ thời tiết nắng nóng, khô hạn làm kéo dài tiến độ gieo cấy nên ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch. Kết quả sản xuất vụ mùa năm nay được dự báo đạt mức khá do người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc lúa đồng thời sử dụng giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao.

 

Diện tích một số cây hàng năm (tính đến trung tuần tháng 10/2023).

Lúa hè thu

 

Cùng với chăm sóc và thu hoạch lúa mùa, các địa phương trên cả nước hoàn thành sản xuất lúa hè thu với diện tích đạt 1.912,8 nghìn ha, giảm 1,9 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2022. Diện tích gieo cấy vụ hè thu năm nay giảm do người dân giảm diện tích xuống giống ở phần đất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa hè thu đạt 57,6 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng 173 nghìn tấn.

Lúa thu đông

Đến giữa tháng Mười, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 692,9 nghìn ha lúa thu đông, bằng 106,9% cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch 247 nghìn ha, chiếm 35,6% diện tích gieo cấy và bằng 88,0% cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa thu đông còn lại chủ yếu ở giai đoạn chắc xanh đến chín, sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Cây hàng năm

Do thời tiết thuận lợi, các địa phương phía Bắc đang tranh thủ gieo trồng rau màu vụ đông nên tiến độ gieo trồng vụ đông năm nay nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Hiện tại đang là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để cung ứng nguồn thịt ra thị trường những tháng cuối năm và các kỳ lễ tết sắp tới. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn do giá thị lợn hơi thấp trong khi chi phí đầu vào cao, dịch tả lợn Châu phi quay trở lại ở một số địa phương. Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ thịt trong nước, cần thực hiện quyết liệt đồng thời nhiều biện pháp, chính sách chống đầu cơ, thao túng giá, đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng; phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hiệu quả việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn trái phép, không rõ nguồn gốc làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong nước.

Tốc độ tăng/giảm số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 10/2023 so với cùng thời điểm năm trước.

Tính đến ngày 23/10/2023, dịch lợn tai xanh còn ở Quảng Bình; dịch cúm gia cầm còn ở Bình Dương, Long An; dịch lở mồm long móng còn ở Cao Bằng, Đồng Nai; dịch viêm da nổi cục còn ở Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang và dịch tả lợn châu Phi còn ở 24 địa phương chưa qua 21 ngày.

Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 10/2023 ước đạt 31,3 nghìn ha, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước do năm nay thời tiết nắng nóng rồi chuyển nhanh sang mưa lũ gây sạt lở đất làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng mới. Một số địa phương có tiến độ trồng đạt thấp so với cùng kỳ năm trước như: Lào Cai bằng 48,1%, Lai Châu bằng 47%, Sơn La bằng 41,9%, Quảng Trị bằng 56,7%, Gia Lai bằng 56,6%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 13,9 triệu cây, tăng 8,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.000,8 nghìn m3, tăng 3,3%. Tính chung 10 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 229,3 nghìn ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 83,7 triệu cây, tăng 4,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 16,2 triệu m3, tăng 3,2%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng tính đến ngày 15/10/2023 là 68,8 ha, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 61 ha, giảm 30,9%; diện tích rừng bị cháy là 7,8 ha, gấp 16,2 lần. Tính chung 10 tháng năm 2023, cả nước có 1.662,8 ha rừng bị thiệt hại, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 983,2 ha, tăng 2,1%; diện tích rừng bị cháy là 679,6 ha, gấp 25,7 lần do năm nay nắng nóng kéo dài.

Hồng Hà