STNN - Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa đã mang đến nhiều tiềm năng đáng kể. Tuy nhiên, công việc thu hoạch trái cây rất khó cơ giới hóa vì chưa có công nghệ hoàn hảo có thể thay thế được mắt, não và tay của con người.
- Cơ giới hóa sản xuất trái cây, nâng chất lượng nông sản xuất khẩu
- 6 lợi ích khi bọc túi giấy cho trái cây
Trên các cánh đồng lúa hay rau, việc thu hoạch không quá phức tạp và có thể dễ dàng cơ giới hóa do không có sự khác biệt lớn về tốc độ tăng trưởng và độ cao của từng cây. Tuy nhiên, đối với cây trồng đặc sản, quả mọc rải rác không đều và độ chín của quả lại khác nhau, việc đánh giá trực quan từng quả và thu hoạch nhẹ nhàng để tránh làm hỏng quả là một thách thức đáng kể bởi việc thu hoạch quả nào, để lại quả nào cần phải được xác định chính xác.
Gần đây, tiến bộ trong công nghệ, cơ giới hóa và tự động hóa đã tạo ra những cơ hội mới cho việc áp dụng robot trong thu hoạch cây đặc sản. Công nghệ hình ảnh dựa trên camera, trí tuệ nhân tạo (AI) và robot đã được sử dụng để thay thế vai trò của mắt, não và tay của con người trong quá trình thu hoạch cây trồng.
Những công ty khởi nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến Advanced Farm Technologies, Tortuga AgTech, FarmWise và Carbon Robotics. Họ đã tận dụng các công nghệ tiên tiến này để tìm giải pháp cho các thách thức trong việc thu hoạch dâu tây. Các công ty này đã cung cấp dịch vụ thương mại, nhiều người trồng đang áp dụng các giải pháp đột phá của họ và nhận được phản hồi tích cực cũng như sự tin cậy, áp dụng rộng rãi từ người trồng.
Để công nghệ robot được áp dụng rộng rãi, hai yếu tố quan trọng cần được xem xét tới. Thứ nhất, khả năng cạnh tranh về mặt kinh tế. Nếu chi phí sử dụng robot cao hơn so với việc sử dụng lao động con người, người trồng sẽ không chấp nhận giải pháp tự động hóa. Do đó, giải pháp robot cần đạt được mức chi phí cạnh tranh và hiệu quả hơn so với việc sử dụng lao động con người. Điều này giải thích tại sao, ngoài việc cải thiện độ chính xác, tốc độ và hiệu quả trong công việc, các công ty khởi nghiệp này còn tập trung vào việc cải thiện COGS (giá vốn hàng bán) và OPEX (chi phí hoạt động) để đạt được khả năng cạnh tranh tổng chi phí tốt hơn.
Thứ hai, giá trị gia tăng mà robot mang lại: Robot có thể thu thập và ghi lại dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng quả và các thông số khác, giúp người trồng có cái nhìn toàn diện về cây trồng và tăng cường quản lý nông trại. Ví dụ: robot có thể sử dụng GNSS hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu) và dữ liệu thu hoạch để ghi lại số lượng thu hoạch, so sánh năng suất và chất lượng cây trồng ở các khu vực nhỏ trên cánh đồng.
Mặc dù ứng dụng của robot trong thu hoạch cây đặc sản mang lại nhiều lợi ích tiềm năng, nhưng cũng có những thách thức và hạn chế cần được vượt qua. Một trong số đó là độ chính xác và nhạy bén của robot trong việc nhận diện và thu hoạch quả. Độ chín và đặc điểm của từng quả có thể thay đổi đáng kể, và việc robot phải xử lý những tình huống phức tạp này vẫn còn là một thách thức. Khi quá trình chuyển đổi sang 'nông nghiệp thông minh' tiến bộ, việc thu thập và sử dụng dữ liệu ở mỗi bước của quy trình canh tác sẽ trở nên phức tạp hơn và do đó, chúng ta có thể mong đợi sự xuất hiện của các nền tảng để quản lý dữ liệu này một cách tập trung. Những nền tảng như vậy sẽ là yếu tố chính thúc đẩy sự phổ biến của các giải pháp tự động hóa và cơ giới hóa robot.
Hoàng Giáp