Hợp tác phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp

Ngày 13/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương đã ký kết “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế”.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Quan hệ ấy đã thể hiện qua nhiều hợp tác trong thời gian qua, mà gần đây nhất là việc hỗ trợ tiêu thụ vải thiều ở các tỉnh: Hải Dương và Bắc Giang. Công tác phối hợp giữa hai Bộ đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng và tăng trưởng xuất khẩu của cả nước nói chung, góp phần bình ổn thị trường trong nước.

Toàn cảnh buổi Lễ ký kết

Đặc biệt, trong công tác phối hợp tổ chức sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường; xây dựng phương án, nội dung đàm phán mở cửa thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tổ chức kết nối cung-cầu tiêu thụ…
Dù vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hóa nói chung và nông, lâm, thủy sản nói riêng gặp nhiều rủi ro và khó khăn, dẫn đến chi phí tăng, thời gian kéo dài làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực từ những sự kiện bất ổn chính trị, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí logistics gia tăng…
Do vậy, bên cạnh các giải pháp vẫn được triển khai thực hiện như trước đây như gia tăng hàm lượng chế biến, đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy cách đóng gói…Việc đánh giá chính xác nhu cầu, khả năng tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước và của nước nhập khẩu, việc đấu tranh với các rào cản bất hợp lý của các nước nhập khẩu nhằm “vô hiệu hóa” các lợi thế có được từ các FTA, từ đó đề xuất và thực hiện các biện pháp, giải pháp thiết thực nhằm góp phần tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nông sản khi vào chính vụ thu hoạch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh bày tỏ ấn tượng với những gì Bộ NN&PTNT đã làm để hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển giá trị của chuỗi cung ứng nông sản. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, quan hệ giữa hai Bộ cần phát triển trên 8 lĩnh vực khác nhau. Trong đó, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng tới yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh hứa ưu tiên nguồn vốn cho ngành nông nghiệp, đồng thời quảng bá, giới thiệu nông sản Việt ra thị trường thế giới.
Chia sẻ tại buổi lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam ước đạt 21,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Con số này tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc đưa nông sản ra thị trường thế giới hiện nay không hề đơn giản. Do đó, cần phải làm sao để người sản xuất không ở trong tình trạng mù thông tin. Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ đó từng bước hình thành các chuỗi liên kết.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải thông tin thông suốt từ đầu cung là Bộ NN&PTNT đến đầu cầu là Bộ Công Thương. Thị trường hiện nay thay đổi từng phút một. Khi cái mới chưa kịp định hình, cái mới hơn đã chuẩn bị xuất hiện để thay thế. Sự nhạy cảm của thị trường đầu ra nhiều khi quyết định yếu tố đầu vào”.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) sẽ là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc hai Bộ nhằm phối hợp triển khai chương trình.

PV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây