LTS - Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành chế biến thủy sản là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, bài viết giới thiệu một số công nghệ hiện đại được áp dụng trong việc bảo quản thủy sản với tiêu chí an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường bền vững. Trong đó, các công nghệ được đề cập đến bao gồm quy trình lạnh, theo dõi từ xa.
- Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc
- Nâng cao năng lực thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS)
Quy trình lạnh – công đoạn then chốt để bảo quản thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường
Quy trình lạnh đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo quản thủy sản với mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường bền vững. Quy trình này liên quan đến việc duy trì nhiệt độ và độ ẩm thích hợp nhằm tạo ra môi trường lý tưởng để giữ được độ tươi ngon và làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, vi sinh vật gây hại cho thủy sản. Đây chính là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo thực phẩm thủy sản sạch và an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời giúp giảm số lượng trường hợp dịch bệnh liên quan đến thực phẩm.
Ngoài ra, quy trình lạnh còn đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Bằng cách giảm thất thoát thủy sản do thủy sản bị giảm chất lượng, thối, hỏng và bảo quản thủy sản lâu hơn, chúng ta giảm áp lực đánh bắt quá mức gây lãng phí nguồn tài nguyên và cũng tạo áp lực lớn hơn đối với việc đánh bắt thủy sản để đáp ứng nhu cầu thực phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc bảo vệ các loài thủy sản đang bị đe dọa và duy trì sự cân bằng trong hệ sinh thái biển. Hơn nữa, sử dụng hệ thống lạnh hiệu quả cũng giúp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường.
Một số công nghệ lạnh hiện đại tối ưu nhất trong việc bảo quản thủy sản
Ngoài công nghệ lạnh chân không (Vacuum Cooling Technology), còn có một số công nghệ khác trong việc bảo quản thủy sản:
- Lạnh nhanh (Flash Freezing) được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm để đông lạnh nhanh chóng các mặt hàng thực phẩm dễ hỏng.
- Công nghệ đóng gói chất lỏng (Modified Atmosphere Packaging - MAP) được sử dụng phổ biến trong việc đóng gói cá tươi và hải sản giúp ngăn cản sự thẩm thấu của Oxy và hơi nước vào bên trong bao bì với khả năng chịu nhiệt cao (125 độ C, trong điều kiện tiệt trùng) và chịu được nhiệt độ âm sâu (– 40 độ C). Bên cạnh đó, công nghệ này cũng tồn tại một điểm hạn chế là chi phí đầu tư cho trang thiết bị ban đầu cao.
- Đóng lạnh (Blast Freezing) là công nghệ làm lạnh thủy sản nhanh chóng bằng cách sử dụng luồng khí lạnh có tốc độ cao giúp thủy sản mất nhiệt độ nhanh, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và bảo quản chất lượng ban đầu (hương vị, kết cấu và tình trạng của thực phẩm vẫn ở trạng thái tốt nhất).
- Làm đông kết hợp sóng siêu âm (Ultrasound-assisted Freezing) là một công nghệ phổ biến trong bảo quản thực phẩm với những ưu điểm như dễ vận hành, giá thành rẻ, không độc hại và thân thiện với môi trường.
Công nghệ giám sát quá trình bảo quản thủy sản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Hệ thống Internet of Things (IoT): Các cảm biến IoT có thể được sử dụng để giám sát nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, và các yếu tố khác trong quá trình bảo quản thủy sản. Dữ liệu từ các cảm biến này được truyền về một hệ thống quản lý trung tâm, nơi có thể được theo dõi và kiểm soát từ xa. Nếu có biến đổi không mong muốn, hệ thống có thể cảnh báo ngay lập tức, giúp đảm bảo rằng điều kiện bảo quản thủy sản luôn ổn định và an toàn.
Công nghệ blockchain: Blockchain có thể được sử dụng để ghi lại mọi thông tin liên quan đến quá trình bảo quản thủy sản từ nguồn gốc, quá trình vận chuyển, cho đến điểm bán lẻ. Thông tin này là minh bạch và không thể sửa đổi, giúp theo dõi nguồn gốc thủy sản và đảm bảo tính an toàn vệ sinh thực phẩm (dữ liệu có sự nhất quán theo trình tự thời gian người sử dụng không thể xóa hoặc sửa đổi chuỗi mà không có sự đồng thuận từ mạng lưới).
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI): Hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán sự cố từ việc phân tích dữ liệu từ các cảm biến. Ví dụ, phát hiện biến đổi nhiệt độ bất thường hoặc sự sụt giảm độ ẩm đột ngột, xác định màu sắc, mùi vị, hoặc bất kỳ thay đổi nào trong thủy sản có thể đưa ra cảnh báo.
Ứng dụng di động và trang web theo dõi sản phẩm thực phẩm: Các ứng dụng di động và trang web cho phép người tiêu dùng kiểm tra thông tin về sản phẩm thực phẩm, bao gồm nguồn gốc và quá trình bảo quản. Nó giúp tạo sự minh bạch và cho phép người tiêu dùng kiểm tra tính an toàn của thực phẩm mà họ mua.
Một số ứng dụng và trang web trên thế giới được kể đến như:
- Buycott được phát triển và hoạt động tại Hoa Kỳ giúp người tiêu dùng theo dõi nguồn gốc và quy trình sản xuất của các sản phẩm thực phẩm. Ứng dụng này được ra mắt nhằm khuyến khích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước thời điểm mua hàng và nâng cao nhận thức rằng việc mua hàng của người tiêu dùng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội.
- Open Food Facts, dự án cộng đồng cho phép người dùng thêm và chỉnh sửa thông tin về sản phẩm thực phẩm. Trên nền tảng này, cơ sở dữ liệu về sản phẩm thực phẩm được tạo ra bởi mọi người, dành cho mọi người, vì vậy, người tiêu dùng có thể sử dụng nó để đưa ra những lựa chọn thực phẩm tốt hơn.
- Trace Register là công ty dẫn đầu về truy xuất nguồn gốc hải sản toàn chuỗi, với khách hàng tại hơn 50 quốc gia. Đây là nền tảng theo dõi sản phẩm thực phẩm chuyên nghiệp được sử dụng bởi doanh nghiệp thực phẩm để quản lý dữ liệu chuỗi cung ứng và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Hơn hết, các công nghệ đều nhắm tới mục tiêu chung là làm giảm thất thoát thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và duy trì chất lượng của thủy sản. Tuy nhiên, sự lựa chọn tốt nhất phụ thuộc vào loại thủy sản cụ thể, quy mô sản xuất, và mục tiêu cụ thể của việc bảo quản.
Khánh Linh – Du Nhiên